Blog

Cam thảo với sức khỏe – điều bạn cần biết trước khi sử dụng

Khi nhắc tới thảo dược Đông Y, cam thảo chắc chắn là cái tên quen thuộc với nhiều người nhất. Trong đời sống thường ngày, ứng dụng của thảo dược này rất đa dạng khi có thể trở thành gia vị cho các loại món ăn, đồ uống. Phổ biến là vậy, nhưng liệu bạn đã biết hết về loại cây này cũng như những lưu ý trước khi sử dụng chưa? Cùng khám phá ngay nhé!

Tìm hiểu về cam thảo

Thông tin dược tính:

Cam thảo vốn là 1 loài cây bản địa châu Á, thuộc họ cánh bướm. Trong Đông Y, đây là dược liệu được xếp vào nhóm có tính bình, vị ngọt, giúp bổ phế, tỳ vị và tâm. Vì hương vị đặc trưng cùng tính mát nên thường được chế biến và đun nấu để trở thành trà giải nhiệt thơm ngọt, dễ uống.

Khi làm thuốc, người ta chủ yếu chỉ dùng rễ và thân cây cam thảo phơi khô.

Phân biệt các loại cam thảo

Mặc dù được dùng nhiều, nhưng không phải ai cũng biết rằng có rất nhiều loại cam thảo. Mỗi loại lại có hình thái, đặc tính sinh học cũng như giá trị dược liệu hoàn toàn khác nhau. Nếu không phân biệt đúng đôi khi sẽ ảnh hưởng đến tác dụng điều trị mong muốn.

Tại Việt Nam có 3 loại chính bao gồm:

Cam thảo nam:

Chủ yếu trồng tại vùng đồng bằng miền Nam. Cây khá lớn, khi già thân thường gỗ hóa, lá mọc đơn lẻ đối xứng. Cam thảo nam thu hoạch được quanh năm, vị thiên đắng và ngọt hậu, mùi thơm nhẹ. Tác dụng của loại này là lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tốt cho những người thường bị nóng trong, ăn uống thất thường.

Cam thảo bắc:

Đúng như tên gọi, cam thảo bắc mọc tập trung tại vùng núi phía Bắc. Cây lớn nhưng thân lại mềm, rễ chùm sâu dưới đất, lá kép, hình bầu dục. Đây chính là loại cam thảo phổ biến nhất với vị ngọt đặc trưng chúng ta vẫn biết. 

Cam thảo dây:

Còn có tên gọi dân gian là dây chi chi. Khác với 2 loại còn lại, dây chi chi là cây thân leo, có quả nhỏ màu đỏ. Loại này có giá trị dinh dưỡng và giá trị dược lực thấp nhất.

6 tác dụng của cam thảo đối với sức khỏe

Bồi bổ phục hồi cơ thể

Cam thảo là một vị thuốc có khả năng tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Vì vậy, với những người vừa ốm dậy, dược liệu này sẽ giúp bồi bổ cơ thể, kích thích vị giác, hỗ trợ ăn uống ngon miệng hơn. Nhờ đó, người bệnh sẽ nhanh phục hồi hơn.

Điều trị bệnh ngoài da

Trong cam thảo có chứa nhóm hoạt chất chống oxy hóa gồm glabridin và glabren. Theo các nghiên cứu khoa học, 2 chất này có khả năng ức chế tyrosinase – một enzyme sản sinh hắc tố melanin gây ra tình trạng nám sạm của da. Vì vậy, trong một số trường hợp nám hoặc tăng sinh sắc tố sau tổn thương, điều trị mụn, người ta sẽ dùng dược liệu này như một phương thức chữa lành làn da nhanh chóng, an toàn.

Hỗ trợ cải thiện bệnh dạ dày

Vốn là vị thuốc chủ về kinh tỳ trong đông y, không thể phủ nhận tác dụng của cam thảo trong điều trị các triệu chứng đau dạ dày, trào ngược, ợ chua, viêm loét.

Dân gian xưa, khi bị chướng bụng khó tiêu, người ta thường dùng thảo dược này đun nước uống để hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm cảm giác khó chịu. Theo y học hiện đại, đó là nhờ sự góp mặt của glycyrizin – hoạt chất có hiệu quả làm lành các vết loét niêm mạc dạ dày, tá tràng.

Hỗ trợ chữa bệnh hô hấp trên

Chất glycyrizin lại 1 lần nữa phát huy công dụng khi có thể cải thiện tình trạng hen suyễn rất tích cực. Vì chứa đến hơn 300 chất dinh dưỡng và thành phần kháng viêm, kháng virus, cam thảo được dùng nhiều trong các bài thuốc điều trị bệnh hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm phế quản ở trẻ nhỏ.

Bảo vệ gan

Glycyrizin trong cam thảo có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, thanh lọc, thải độc. Vì vậy, nó có thể giúp điều trị bệnh viêm gan C, bảo vệ gan khỏi sự tấn công của yếu tố gây hại, đặc biệt là Carbon tetrachloride

Ngừa sâu răng, bảo vệ nướu răng

Rễ cam thảo từ rất lâu đã được dùng để làm sạch răng, thanh nhiệt giảm viêm lợi. Phân tích theo y học hiện đại, tác dụng bảo vệ răng miệng đến từ 2 hoạt chất licoricidin và licorisoflavan-A. Đây là 2 chất kháng khuẩn, tiêu diệt được các loại vi khuẩn hại răng và nướu. 

Bên cạnh đó, nhờ hương thơm tự nhiên, rễ cam thảo cũng góp phần xử lý hơi thở có mùi. Vì vậy, dược liệu này được chọn mặt gửi vàng trong nhiều loại kem đánh răng thảo dược được người dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ ưa chuộng.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng cam thảo

Mặc dù là dược liệu tự nhiên nhưng vẫn có những điều bạn cần lưu ý để dùng cho đúng:

Đối tượng sử dụng

Nhờ vị ngọt lại lành tính nên hầu hết độ tuổi nào cũng có thể sử dụng được. Tuy nhiên, có một số nhóm đối tượng đặc biệt cần phải có sự tư vấn của bác sĩ mới được sử dụng:

  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú
  • Người tiểu đường, cao huyết áp vì trong cam thảo có chứa đường tự nhiên, vị không ngọt gắt nhưng hàm lượng lại cao hơn nhiều lần trong các sản phẩm khác.
  • Nam giới không lạm dụng vì có thể gây ảnh hưởng đến sinh lý
  • Người cơ địa lạnh, hay bị lạnh bụng hoặc táo bón, rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài

Ngoài ra, người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cũng chỉ nên dùng với một lượng vừa phải mỗi ngày, tránh ảnh hưởng ngược tiêu cực đến sức khỏe.

Sử dụng quá liều

Vào mùa nắng nóng, đa phần mọi người có xu hướng tìm các loại trà giải nhiệt, các loại nước thảo dược làm mát có vị ngọt. Vì vậy, cam thảo được kết hợp với nhiều dược liệu khác và dùng khá thường xuyên.

Tuy nhiên, thảo dược dù lành tính đến đâu cũng không thể lạm dụng với tần suất liên tục. Chất ngọt trong dược liệu này có độ ngọt gấp 50 lần so với đường saccaroza. Khi bạn dùng quá nhiều, điều dễ thấy nhất chính là dấu hiệu tăng huyết áp. 

Ngoài ra, cam thảo còn bổ gan, lợi mật. Nhưng trong trường hợp cơ thể khỏe mạnh, sử dụng quá liều sẽ làm mất cân bằng hoạt động gan, gây ra tổn thương do gan mật làm việc quá mức cần thiết.

Trên đây là những kiến thức chắt lọc nhất về cam thảo cũng như các công dụng của nó trong việc chăm sóc sức khỏe. Mong rằng qua bài viết này bạn biết cách phân biệt, có thể tự cân nhắc cách dùng đúng nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho bản thân và gia đình.

You might be interested in …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *