Blog

Tác dụng của Fluoride và những rủi ro liên quan

Fluoride là chất khoáng tồn tại dưới dạng tự nhiên (nước, đất, không khí…), và dạng tổng hợp. Đặc biệt fluoride còn tồn tại trong xương và răng của người. Fluoride, cùng với calcium, và photphat… lắng đọng vào men răng và xương, giúp răng và xương chắc khỏe. Hiện tại, người ta thường ứng dụng fluoride trong phòng ngừa sâu răng.

Chúng ta biết rằng tái khoáng (thêm khoáng) và khử khoáng (mất khoáng) là hai quá trình diễn ra thường xuyên trong miệng. Nếu quá trình mất khoáng xảy ra quá nhanh do tác động của acid trong mảng bám, đến mức không thể bù đắp bằng quá trình tái khoáng thì sâu răng sẽ xảy ra. Fluoride có thể chống lại quá trình này nhờ khả năng kết hợp với hydroxyapatit của men răng, tạo ra một hợp chất bền vững có thể chống lại sự tấn công của acid trong mảng bám. Ngoài ra, fluoride cũng giúp tăng tốc độ tái khoáng, đồng thời cản trở quá trình tạo acid của vi khuẩn gây sâu răng trong miệng.

Fluoride có sẵn ở đâu

1. Nguồn nước và các nguồn tự nhiên

Việc đưa fluoride vào nước là chủ đề gây tranh cãi trong hơn 70 năm qua. Tuy rằng fluoride cũng có thể xuất hiện tự nhiên trong các nguồn nước, nhưng cuối cùng người ta vẫn đưa fluoride vào nước máy với mục đích phòng ngừa sâu răng cho cộng đồng. 

Fluoride có trong nguồn nước tự nhiên

Fluoride trong nước máy là dạng tổng hợp, và các chất phụ gia bổ sung fluoride vào nước máy có thể là flouorosilicic acid (H2SiF6), sodium fluorosilicate (Na2SiF6) và sodium fluoride (NaF). Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), hàm lượng fluoride tối ưu trong nước máy nằm trong khoảng 0.7 đến 1.2 ppmF. 

Ngoài nước, fluoride tự nhiên cũng có thể tìm thấy trong đất, không khí …

2. Thực phẩm chứa nhiều fluoride

Fluoride có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trà. Ngoài ra, một số thực phẩm chế biến như thịt gà, đồ uống thương mại, sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh… cũng là những nguồn chứa nhiều fluoride. Dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm cũng góp phần làm tăng tổng lượng fluoride hấp thụ vào cơ thể.

Fluoride có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trà

3. Dược phẩm chứa fluoride

Báo cáo nghiên cứu trên tập san International Journal of Molecular Sciences cho thấy tại Hoa Kỳ, có hơn 300 dược phẩm chứa fluoride. Nhiều thuốc chứa fluoride như thuốc hạ mỡ máu Lipitor, thuốc điều trị trầm cảm Fluoxetine, thuốc kháng sinh Linezolid hoặc thuốc xịt mũi Fluticasone.

4. Kem đánh răng và sản phẩm nha khoa có thể chứa fluoride

Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) và nhiều chuyên gia cũng xem fluoride là thành phần thiết yếu trong kem đánh răng. Hiện nay, đa số các kem đánh răng đều chứa thành phần fluoride. Bên cạnh đó, nước súc miệng cũng có thể chứa fluoride với hàm lượng thấp hơn.

Bên cạnh các sản phẩm sử dụng tại nhà, tại các phòng khám nha khoa còn cung cấp các sản phẩm bôi lên răng có thể bổ sung fluoride với hàm lượng cao hơn như gel (APF 1.23%), dung dịch (Sodium fluoride 2%, Stannous fluoride 8%), varnish (Duraphat, Fluorprotector).

Kem đánh răng và sản phẩm nha khoa có thể chứa fluoride

Rủi ro liên quan đến fluoride

Fluoride an toàn khi sử dụng ở liều dùng vừa phải theo cân nặng và lứa tuổi. Tuy nhiên, fluoride có thể gây nguy hiểm ở liều cao, đặc biệt là đối với trẻ em. Người lớn cũng có thể gặp các vấn đề về nhiễm fluoride.

Fluoride dư thừa có thể gây nhiễm màu men răng (nhiễm fluoride), từ những vết đốm hoặc vệt trắng khó nhận thấy đến những vệt màu nâu, ảnh hưởng thẩm mỹ. Những vết ố răng này không thể loại bỏ bằng cách vệ sinh thông thường, chỉ có thể dùng chất mài mòn hoặc chất tẩy trắng trong nha khoa. Trường hợp nhiễm fluoride nặng gây nên hiện tượng men răng bất toàn, thì phải phục hồi bằng mão răng hoặc mặt dán sứ…

Fluoride tổng hợp có thể liên kết với calcium nên nếu dư thừa trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiễm độc ở xương, khiến xương yếu và dễ gãy, đau nhức xương. Ngoài ra, phơi nhiễm fluoride liều cao còn khiến ruột bị kích thích và gây khó chịu.

fluoride có thể gây nguy hiểm ở liều cao

Tránh rủi ro liên quan đến fluoride

1. Đối với trẻ em

Ủy ban Thực phẩm và Dinh dưỡng Hoa Kỳ (FNB) của Viện Y học (IOM) đã thiết lập các mức hấp thụ có thể chấp nhận được đối với fluoride như sau:

  • 0–6 tháng: 0.7 mg/ngày
  • 7–12 tháng 0.9 mg/ngày
  • 1–3 tuổi: 1.3 mg/ngày
  • 4–8 tuổi: 2.2 mg/ngày
  • 9 tuổi trở lên: 10 mg/ngày.
Trẻ em dưới 8 tuổi là những nhóm có khả năng bị ảnh hưởng bởi những tác hại của fluoride nhất

Có thể thấy trẻ em dưới 8 tuổi là những nhóm có khả năng bị ảnh hưởng bởi những tác hại của fluoride nhất. Thêm vào đó, trẻ em thường có xu hướng nuốt kem đánh răng. Vì vậy, phụ huynh nên lưu ý khi trẻ chải răng cũng như sử dụng các sản phẩm liên quan đến fluoride:

  • Chỉ dùng lượng kem đánh răng cỡ hạt đậu mỗi khi chải răng cho trẻ.
  • Tránh dùng kem đánh răng có hương vị vì điều này có thể khuyến khích trẻ nuốt kem đánh răng
  • Để các sản phẩm chứa fluoride xa khỏi tầm tay của trẻ em.

Nếu không yên tâm, bạn có thể cân nhắc dùng kem đánh răng không chứa fluoride cho trẻ nhỏ hoặc kem đánh răng dược liệu. Tuy nhiên, nếu bạn có thắc mắc về lượng dùng fluoride cho bản thân và con trẻ, có thể nói chuyện với nha sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa. 

2. Quản lý các yếu tố rủi ro khác

Fluoride trong nước máy thường được kiểm soát ở mức độ nhất định, nhưng một số gia đình có thể sử dụng nước giếng thay cho nước máy. Nếu bạn không chắc về hàm lượng fluoride trong nước giếng của mình, thì nên kiểm tra mẫu nước.

Fluoride trong nước máy thường được kiểm soát ở mức độ nhất định

 Hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi về việc sử dụng fluoride, và việc có nhất thiết phải  đưa fluoride vào nước và các sản phẩm khác hay không vẫn còn là nghi vấn. Ông Richard Sauerheber, nhà nghiên cứu khoa học và cựu điều tra viên chính của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, một trong những người ủng hộ việc hạn chế fluoride, cho biết một số cách để giảm mức phơi nhiễm fluoride: 

  • Dùng kem đánh răng chứa hydroxyapatite thay cho kem đánh răng chứa fluoride.
  • Hạn chế các thực phẩm chứa hàm lượng fluoride cao như thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống thương mại như nước trái cây, nước có gas…
  • Bổ sung calcium (Ca) vì chất này có thể trung hòa các tác động độc hại của fluoride, nhưng cần cân nhắc khi sử dụng lâu dài vì có thể dẫn đến tình trạng lắng đọng calcium trong mạch máu.
  • Lọc nước tại nhà nếu có thể.

You might be interested in …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *