Blog

Tác dụng sức khỏe bất ngờ từ cây sả và cách trồng chuẩn hữu cơ

Cây sả là một loại nguyên liệu và gia vị cực kỳ quen thuộc đối với người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Cây sả là một loại nguyên liệu và gia vị cực kỳ quen thuộc đối với người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, thật tiếc vì không phải ai cũng hiểu và tận dụng được hết lợi ích của cây sả để nâng cao sức khỏe. Để cây sả không còn bị đánh giá thấp và được sử dụng một cách tối ưu nhất, mời các bạn đón đọc bài viết cực kỳ chi tiết về cây sả, bao gồm thông tin khoa học và các công dụng của cây sả nhé! 

Tìm hiểu về cây sả

Cây sả (tên khoa học: Cymbopogon) là một loại thực vật có họ là Hòa Thảo (tên khoa học: Poaceae), thường được tìm thấy dễ dàng ở các vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. 

Cây sả có đến 55 loại khác nhau ở các quốc gia Châu Á như Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Còn Việt Nam có khoảng 15 loại, trong đó có 4 loại phổ biến nhất:

Cây sả là một loại thực vật có họ là Hòa Thảo
Cây sả là một loại thực vật có họ là Hòa Thảo
  • Sả chanh (hay sả dịu) có tên khoa học là Cymbopogon Flexuosus, là loại sả mọc thành bụi, sống lâu năm, thân cao từ 1m – 1,5m. Lá hẹp và dài, nhám ở mép lá, bẹ lá cuốn chặt vào nhau và không có lông. 
  • Sả hồng (hay sả hoa hồng) có tên khoa học là Cymbopogon Martinii, là loại sả có thân lá nhỏ hơn các loại sả khác, mọc thành bụi cao đến 1,5m.
  • Sả bẹ (hay sả Sri Lanka) có tên khoa học là Cymbopogon Nardus, là loại sả mọc thành bụi, có tán rộng, thân cao tới 2m, lá dài hẹp, có ít hoặc không có lông. Hoa mọc kép, cụm hoa chùy, hoa dài 60 – 80cm. Gốc Sả Sri Lanka có màu tím hồng hay tím đỏ.
  • Sả Java (hay sả đỏ / sả xòe) có tên khoa học là Cymbopogon Winterianus, là loại sả mọc thành bụi, thân có thể cao đến 2m, lá thuôn dài. Gốc sả có màu hồng tím hay đỏ tím. Chùy hoa gồm nhiều chùm hoa mọc thẳng đứng.

10 tác dụng sức khỏe của cây sả

Cây sả chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng vô cùng tốt cho sức khỏe, ngoài công dụng làm gia vị và tăng thêm hương vị thơm ngon cho thức ăn. Tiêu biểu phải kể đến:

  • Đa dạng khoáng chất như sắt, magie, kali, kẽm
  • Lượng folate dồi dào đủ cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể
  • Lượng mangan cao giúp đẩy lùi loãng xương, thiếu máu và một số bệnh khác

Vậy nên khi nhắc đến cây sả, ta có thể kể liệt kê hàng loạt tác dụng về sức khỏe của loại thực vật này. Tuy nhiên, dưới đây là 10 tác dụng tiêu biểu và dễ cảm nhận được nhất khi sử dụng cây sả mà chúng tôi đã tìm hiểu, tổng hợp và thống kê được. 

Cây sả chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng vô cùng tốt cho sức khỏe, ngoài công dụng làm gia vị và tăng thêm hương vị thơm ngon cho thức ăn
Cây sả chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng vô cùng tốt cho sức khỏe, ngoài công dụng làm gia vị và tăng thêm hương vị thơm ngon cho thức ăn

Giảm stress

Uống trà ủ cùng sả tươi giúp giảm áp lực lên hệ thần kinh, khiến người dùng có cảm giác nhẹ nhõm hơn. Bên cạnh đó, ngửi mùi sả có thể khiến đầu óc thoải mái, dễ chịu. Các nhà khoa học đã chứng minh, dù sả không trực tiếp làm giảm stress hay chữa được chứng lo âu, nhưng lại có tác dụng hỗ trợ quá trình này vô cùng hiệu quả.

Cải thiện hệ tiêu hóa

Vị của sả cay tê nhưng không nóng nên rất thường được sử dụng để chế biến các món ăn thơm ngon. Ngoài tăng thêm hương vị cho món ăn và kích thích vị giác người ăn, sả còn có thể thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa trở nên tốt hơn, từ đó giảm đầy hơi, loại bỏ đàm nhớt cũng như ức chế tình trạng hôi miệng. 

Ngoài ra, như trên đã nói, khi kết hợp sả cùng các loại lá trà cũng hỗ trợ điều trị cho những người có hệ tiêu hóa kém, chậm tiêu thức ăn, dễ đầy bụng, hay buồn nôn, nôn mửa, thường xuyên đau dạ dày, ruột bị co thắt đến quặn đau, …

Hỗ trợ tăng cường miễn dịch

Bản thân củ sả có nguồn vitamin A, C tự nhiên cực kỳ tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể. Đây có thể ví như một kháng sinh tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi rất nhiều mầm bệnh từ môi trường xung quanh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sả là loại thảo dược có thể làm giảm tỷ lệ bệnh tưa miệng, hoặc một số bệnh nấm sinh ra bởi hệ miễn dịch yếu ở những người bị nhiễm HIV, Covid…Vì vậy, trong và sau đại dịch, rất nhiều người chọn sử dụng các phương pháp trị liệu tự nhiên từ cây sả nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Trong và sau đại dịch, rất nhiều người chọn sử dụng các phương pháp trị liệu tự nhiên từ cây sả nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể
Trong và sau đại dịch, rất nhiều người chọn sử dụng các phương pháp trị liệu tự nhiên từ cây sả nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể

Kiểm soát đường huyết

Hàm lượng kali cao trong cây sả giúp tăng lượng nước tiểu trong cơ thể, hỗ trợ ổn định huyết áp, đưa chỉ số này về mức độ an toàn và giúp máu huyết lưu thông tốt hơn. 

Theo một nghiên cứu vào năm 2015, uống nước sả tươi liên tục trong 1 tháng (30 ngày) có thể gia tăng nồng độ sắc tố máu, gia tăng thể tích tế bào và gia tăng số lượng hồng cầu trong cơ thể. Nhờ vậy, người dùng ổn định được huyết áp và dễ dàng điều hòa nhịp tim. Công thức này rất có lợi cho những người có tiền sử bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp.

Hỗ trợ kiểm soát cân nặng

Sả còn được biết đến với công dụng nâng cao quá trình trao đổi chất và kiểm soát cân nặng, nhờ vào hàm lượng polyphenol và cafein tương đối cao. Một thức uống lành mạnh như trà sả không chỉ giúp gia tăng tiêu hao năng lượng trong cơ thể, mà còn thúc đẩy quá trình oxy hóa chất béo. 

Hương vị của sả khi đưa vào đồ uống cũng có tác dụng làm giảm các cơn thèm ăn, từ đó tránh được tình trạng ăn uống mất kiểm soát gây dư thừa calo cho cơ thể.

Làm dịu hô hấp

Theo dân gian, cây sả được xem là bài thuốc cực kỳ hữu hiệu mỗi khi chuyển mùa, với công dụng phòng và chữa các bệnh hô hấp. Bạn có thể xông phòng, xông mũi, xông họng bằng sả tươi để giải cảm, bớt ho và bớt đàm.

Cây sả được xem là bài thuốc cực kỳ hữu hiệu mỗi khi chuyển mùa, với công dụng phòng và chữa các bệnh hô hấp
Cây sả được xem là bài thuốc cực kỳ hữu hiệu mỗi khi chuyển mùa, với công dụng phòng và chữa các bệnh hô hấp

Thanh lọc cơ thể

Thành phần tự nhiên trong cây sả giúp dễ dàng loại bỏ axit uric và nhiều chất có hại khác trong cơ thể như cholesterol xấu, chất béo bão hòa. Nhờ vậy mà sả được xem là nguyên liệu thanh lọc cơ thể cực kỳ tốt, có thể dùng để giải độc gan, hỗ trợ tiêu hóa và lợi tiểu. 

Kháng viêm tự nhiên

Trong sả có nhiều chất chống viêm như Axit Chlorogenic, Isoorientin, Swertia Japonica, …. có thể chống lại các gốc tự do rất tốt. Nhờ vậy, sả có thể giúp chống viêm, ngừa nhiễm trùng hiệu quả.

Bạn có biết, súc miệng bằng nước chứa tinh dầu sả thường xuyên có thể chống lại vi khuẩn Streptococcus Mutans gây sâu răng, giúp gia tăng sức khỏe răng miệng, giảm tỷ lệ mắc bệnh về nướu, cải thiện chất lượng hơi thở.

Trong sả có nhiều chất chống viêm như Axit Chlorogenic, Isoorientin, Swertia Japonica, …. có thể chống lại các gốc tự do rất tốt.
Trong sả có nhiều chất chống viêm như Axit Chlorogenic, Isoorientin, Swertia Japonica, …. có thể chống lại các gốc tự do rất tốt.

Chống oxy hóa

Tinh dầu sả có chứa thành phần chống oxy hóa là Beta-carotene-1 và hợp chất citral. Hai chất này đều có thể giúp ngăn ngừa ung thư khi sở hữu khả năng tiêu diệt và ức chế sự phát triển của các tế bào bệnh mà không gây ảnh hưởng hay tổn hại gì đến các tế bào khỏe mạnh còn lại.

Giảm đau, sưng khớp

Sưng khớp là tình trạng dịch lỏng tích tụ ở khớp gối gây đau nhức, khó vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Tinh chất sả có đặc tính tiêu phù thũng, làm dịu cơn đau tại vị trí viêm. Bên cạnh đó, khả năng kháng viêm của sả cũng sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng sưng khớp.

 

Xoa bóp tinh dầu sả mỗi ngày là một phương pháp trị liệu hợp lý và lành tính cho các bệnh nhân viêm xương khớp, đau mỏi lâu năm do tuổi tác hoặc do áp lực công việc.

Các nguyên liệu thường kết hợp cùng cây sả

Sả và gừng

Sả và gừng là 2 loại dược liệu tính ấm đã được kết hợp từ xa xưa. Chúng có mặt trong rất nhiều các bài thuốc cổ truyền. Một trong những tác dụng của gừng và sả đối với cơ thể đó chính là tăng cường sức đề kháng. Việc sử dụng trà gừng sả mỗi ngày là một thói quen tốt của nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi. 

Công thức pha trà sả gừng tại nhà rất đơn giản
Công thức pha trà sả gừng tại nhà rất đơn giản

Trà sả gừng có vị ngọt thanh đan xen chút đắng và cay nhẹ của gừng. Hương thơm nồng ấm đặc trưng, rất hợp để uống trong những ngày tiết trời trở lạnh, hoặc khi cơ thể có dấu hiệu bị nhiễm lạnh.

Công thức pha trà sả gừng tại nhà rất đơn giản. Bạn cần chuẩn bị: 4 cây sả, 1 củ gừng nhỏ, 1 quả chanh tươi, 1 lít nước, 200g đường phèn rồi thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Nấu nước đường
    • Cho 200g đường phèn vào cùng 1 lít nước và đun sôi
  • Bước 2:Thêm sả
    • Bóc sả và rửa sạch
    • Đập dập nhẹ sả
    • Cắt chúng thành từng khúc khoảng 3 – 4cm 
    • Bỏ vào hỗn hợp nước đường đun thêm 5 – 10 phút
  • Bước 3: Thêm gừng
    • Cạo sạch vỏ gừng hoặc giữ vỏ và rửa sạch
    • Thái gừng thành lát mỏng tầm 0.5cm 
    • Cho vào hỗn hợp nước đang đun
  • Bước 4: Đun sôi & ủ
    • Đun nồi nước đường có chứa gừng và sả thêm 5 phút và tắt bếp.
    • Ủ hỗn hợp trong khoảng 30 phút 
  • Bước 5: Lọc & thu thành phẩm
    • Sau 30 phút, dùng rây lọc nước trà 
    • Bảo quản bằng cách cất vào ngăn mát tủ lạnh
  • Bước 6: Thưởng thức
    • Hâm nóng lại nếu muốn uống
    • Có thể vắt thêm chanh nếu thích

Sả và chanh

Chanh chứa đầy ắp vitamin C hỗ trợ thanh lọc cơ thể, là siêu thực phẩm chống oxy hóa và cải thiện hệ miễn dịch. Sả, tương tự có nhiều chất chống oxy hóa và ngừa ung thư rất tốt. Vì thế mà chanh sả là cặp đôi vô cùng hoàn hảo giúp ngăn ngừa bệnh vặt, làm đẹp từ trong ra ngoài. 

Chanh sả là cặp đôi vô cùng hoàn hảo giúp ngăn ngừa bệnh vặt, làm đẹp từ trong ra ngoài
Chanh sả là cặp đôi vô cùng hoàn hảo giúp ngăn ngừa bệnh vặt, làm đẹp từ trong ra ngoài

Có 3 công thức làm chanh sả uống hằng ngày rất tốt cho cơ thể.

  • Nước chanh sả
  • Nước chanh sả mật ong (2 cây sả : 1 thìa canh mật ong : ½ quả chanh tươi : 1 lít nước)
  • Nước chanh sả hạt chia (5 cây sả : 200g đường: 3 trái chanh:  2 thìa cà phê hạt chia : 250ml nước)

Cách làm đơn giản cho cả 3 công thức trên

  • Rửa sạch sả
  • Cắt khúc và đập dập
  • Cho sả, đường / mật ong (có thể không cho), nước vào nồi và đun sôi
  • Khi nước sôi bùng lên, hạ nhỏ lửa khoảng 15 phút rồi tắt bếp và để nguội
  • Thưởng thức bằng cách cho chanh và hạt chia vào, khuấy đều lên rồi uống (tỉ lệ gia giảm tùy theo khẩu vị)

Sả và bạc hà

Bạc hà có tính kháng khuẩn mạnh và có thể ức chế nhiều loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Salmonella Typhoid. Tuy nhiên, trái ngược với tính ấm của sả, bạc hà lại có vị tươi mát the cay đặc trưng. Vì vậy, sự kết hợp này vừa tốt cho sức khỏe, vừa tạo ra hương vị đặc sắc, cực kỳ phù hợp cho những ngày cơ thể mệt mỏi, cần một nguồn năng lượng mới.

Trà bạc hà kim quất là một món uống với sự hòa quyện bùng nổ giữa sả, bạc hà tươi và tắc (quất) bạn chắc chắn cần biết cách tự pha chế tại nhà.  Chỉ cần đun nước sôi già và ngâm sả cắt lát, lá bạc hà vò nát và gừng thái mỏng trong khoảng 15 phút, sau đó thêm quất tươi là có thể thưởng thức. Bạn có thể thêm mật ong hoặc đường nước để gia tăng hương vị ngọt ngào cho món uống của mình, giúp kích thích vị giác tốt hơn.

Cách trồng cây sả tại nhà chuẩn hữu cơ

Chọn cây giống

Đây là bước cực kỳ quan trọng, quyết định việc bạn chăm sóc vườn sả của mình sau này vất vả hay không. Khi chọn mua cây sả để trồng, nên chọn những cây to khỏe và tươi. Không nên chọn cây quá già vì tốc độ phát triển sẽ kém hơn.

Khi chọn mua cây sả để trồng, nên chọn những cây to khỏe và tươi
Khi chọn mua cây sả để trồng, nên chọn những cây to khỏe và tươi

Chuẩn bị trồng

Cắt bỏ 2mm phần gốc cây sả. Phần thân trên của cây sả cần cắt sao cho độ dài vừa tầm 15 – 20cm. Điều này giúp việc trồng thuận tiện hơn và cây cũng có tiết diện hút nước lớn hơn, từ đó ra rễ nhanh hơn mà không sợ thối thân.

Sau khi cắt, bóc bỏ các bẹ lá già bên ngoài. Chuẩn bị lọ nước sạch để ngâm cây trong 5 đến 7 ngày. Tùy nhiệt độ và độ ẩm theo thời điểm, bạn hãy ngâm cho đến khi cây bắt đầu ra rễ trắng li ti, lá mọc dài là đã sẵn sàng để chuyển chậu.

Chuẩn bị vật dụng trồng

Bạn cần chuẩn bị là đất, chậu nhựa có lỗ thoát nước bên dưới và phân bón. Cây sả rất dễ tính, không đòi hỏi nhiều dinh dưỡng nên bạn cũng không cần quá khắt khe về loại đất. Chỉ cần là đất sạch, không nhiễm mầm bệnh là được.

Khi đã chuẩn bị vật dụng xong, bạn hãy bắt đầu chuyển chậu cho cây sả đã được ngâm rễ.

Gieo trồng

Dưới đây là các bước trồng sả đảm bảo cây phát triển tốt nhất:

  • Cho đất vào chậu, độ dày đất từ 30 – 35 cm. 
  • Nhẹ nhàng đặt cây sả vào chậu, đảm bảo cây nghiêng một góc 60 độ so với mặt đất 
  • Tưới phun đẫm mặt đất xung quanh cây, đưa cây ra nơi có ánh sáng ít nhất 4-6 tiếng để cây ổn định.
Các bước trồng sả đảm bảo cây phát triển tốt nhất
Các bước trồng sả đảm bảo cây phát triển tốt nhất

Chăm sóc

Cây sả sinh trưởng rất nhanh, gần như bạn không cần chăm sóc nhiều. Bạn chỉ cần tưới nước hàng ngày, 2 lần nếu là mùa hè khô nóng và chỉ 1 lần vào mùa mưa độ ẩm cao. Cây sả chịu khô tốt hơn chịu úng, nên đừng tưới quá nhiều để tránh chết cây.

Bạn nên đặt chậu cố định tại nơi thoáng mát, có ánh sáng mặt trời vào buổi sáng, tránh ánh nắng buổi trưa hay gió lạnh vào buổi tối. Kiểm tra thường xuyên để nhặt bỏ những lá già, lá khô cháy do nắng,… Nếu trong trường hợp thấy bụi sả quá rậm rạp, có thể tiến hành tỉa bớt phần lá ngoài của cây. 

Về việc bón phân, với các bụi sả trồng tại nhà, trồng trên ban công, bạn có thể không cần dùng đến các loại phân bón hóa học. Hãy dùng nước gạo để tưới quanh gốc khoảng 2-3 lần/tuần là đã đủ dinh dưỡng cho cây phát triển.

Cây sả sinh trưởng rất nhanh, gần như bạn không cần chăm sóc nhiều
Cây sả sinh trưởng rất nhanh, gần như bạn không cần chăm sóc nhiều

Thu hoạch và bảo quản

Cây sả có thể thu hoạch được sau khoảng 4 – 5 tháng. Khi thu hoạch sả, dùng tay đặt sát gốc cây, xoay tròn để cây tách khỏi bụi. Bạn hãy chọn các cây mập và giữ lại bụi con để tiếp tục nuôi. Cây sả luôn phát ra mùi tinh dầu tự nhiên xua đuổi côn trùng, sâu bệnh nên đây là một loại “rau vườn nhà” cực kỳ sạch.

Nếu 1 lần thu hoạch được nhiều sả, hãy cắt gốc, rửa sạch và để thật ráo. Sau đó, bạn dùng màng bọc thực phẩm quấn chặt cây sả, bọc thêm 1 lớp giấy báo hoặc giấy xi măng rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Làm như vậy, bạn sẽ có sả tươi sử dụng trong vòng 1-2 tuần.

Thông qua bài viết này, hy vọng có thể giúp các bạn hiểu rõ thêm về sả cũng như gợi ý được cho các bạn nhiều cách sử dụng sả để nâng cao sức khỏe. Chúc các bạn áp dụng những hướng dẫn thành công!

You might be interested in …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *