Cây dâm bụt là một loại thực vật dân dã rất quen thuộc với người Việt, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở các làng quê. Tuy nhiên, dâm bụt cũng gắn với câu khẩu ngữ “có đỏ mà không có thơm”. Điều này đến từ màu sắc rực rỡ thu hút, nhưng cánh mỏng manh mau tàn úa, không có hương thơm đặc trưng. Tuy vậy, dâm bụt thực sự lại có nhiều giá trị khác có thể bạn chưa biết. Nếu bạn tò mò thì bài viết này sẽ lật mở những công dụng sức khỏe tuyệt vời của cây dâm bụt cho bạn.
Tìm hiểu chung về cây dâm bụt
Nguồn gốc
Cây dâm bụt có tên khoa học là Hibiscus Rosa-sinensis. Đây là một loài thực vật thuộc họ Bông (Malvaceae), nổi tiếng với vẻ đẹp rực rỡ và đa dạng về màu sắc cũng như hình dạng. Dâm bụt có nguồn gốc từ Đông Á, phổ biến nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Cây dâm bụt mọc thành bụi nhỏ, thấp lùn với lá xanh đậm, mặt lá bóng mượt, có 2 giống hoa cánh đơn và cánh kép. Hoa cánh đơn nhỏ hơn, trong khi cánh kép có thể có đường kính từ 10-15cm. Hoa nở rộ từ mùa xuân đến độ cuối hè, sau đó tàn nhanh. Hoa dâm bụt đẹp nổi bật với đủ màu sắc sặc sỡ từ trắng, hồng, đỏ, vàng đến cam. Thậm chí, ngày nay người ta còn lai giống một số biến thể có màu sắc độc đáo rất được các nhà vườn ưa chuộng.
Ý nghĩa
Tại Việt Nam, dù cây dâm bụt mọc nhiều nơi và được ưa chuộng để làm cây trang trí, thì bản thân loài hoa này không gắn với ý nghĩa đẹp. Cụm từ “hoa dâm bụt” thường để ám chỉ những con người chỉ có vẻ bề ngoài chứ không có thực tài. Ngược lại, tại nhiều quốc gia khác, dâm bụt được nâng tầm lên thành một loài hoa mang ý nghĩa thanh cao.
Hoa dâm bụt ở Trung Quốc là biểu tượng của sự kiêu hãnh, vẻ đẹp rực rỡ cao quý. Ở Bắc Mỹ, dâm bụt chính là biểu trưng của người phụ nữ đẹp, người vợ tuyệt vời. Đặc biệt nhất, tại Hawaiian, giống dâm bụt Hibiscus Brackenridgei có thể coi như là quốc hoa, thường được trao tặng nhau với hàm ý may mắn.
Tác dụng
Về cơ bản, nhiều giống dâm bụt được nhân giống nhằm mục đích tạo cảnh quan đẹp cho kiến trúc nhà cửa, công viên, vườn tược. Nhưng xét theo giá trị kinh tế, loài cây này còn có giá trị trong ngành công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm. Chiết xuất từ hoa và lá của cây dâm bụt được sử dụng để sản xuất các sản phẩm chăm sóc da, bảo vệ da khỏi các yếu tố môi trường bất lợi, cũng như dưỡng ẩm chuyên sâu cho da. Ngoài ra, hoa và lá dâm bụt cũng được chế biến hoặc sấy khô làm trà, tráng miệng, gia vị nấu ăn.
Nếu xét trên khía cạnh y học, bất ngờ là cây dâm bụt lại có những công dụng vô cùng lớn, phù hợp cho nhiều lứa tuổi. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn ở phần tiếp theo của bài viết nhé.
Giá trị y học ít người biết của cây dâm bụt
Trong y học cổ truyền, cây dâm bụt đã được sử dụng như một loại dược liệu thiên nhiên để điều trị hàng loạt bệnh lý từ cơ bản đến phức tạp. Ngày nay, nhờ các nghiên cứu khoa học hiện đại, người ta đã dần tìm ra các hoạt chất giá trị trong các phần của cây dâm bụt, nhằm chứng minh cho lợi ích sức khỏe của loài thực vật này.
Điều hòa huyết áp và cholesterol máu
Một trong những lợi ích y học nổi bật nhất của dâm bụt là khả năng điều hòa huyết áp và giảm cholesterol trong máu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong cánh hoa dâm bụt chứa một lượng lớn hoạt chất polyphenol và anthocyanin. 2 chiết xuất này có khả năng làm giãn các mạch máu và cải thiện lưu lượng máu, kích thích máu huyết lưu thông đều, từ đó quản lý tốt hơn tình trạng huyết áp cao.
Đồng thời, Polyphenol cũng giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu thông qua cơ chế đẩy mạnh hoạt động của các enzyme tại gan cũng như ức chế hấp thụ cholesterol thành ruột. Từ đó, người dùng sẽ giảm thiểu được nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch, nhất là những ai có thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh.
Chống oxy hóa
Ngoài ra, anthocyanin là một hoạt chất chống oxy hóa, cây dâm bụt còn chứa quercetin, một chất khác cũng có khả năng bảo vệ cơ thể, chống lại tổn thương từ các gốc tự do và làm chậm quá trình lão hóa.
Bản chất Polyphenol cũng là một chất chống oxy hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm viêm, một yếu tố liên quan mật thiết đến sự phát triển của các bệnh mãn tính. Bằng cách giảm thiểu lượng chất gây viêm trong cơ thể, người dùng cải thiện được sức khỏe tổng thể, luôn cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng nhiều năng lượng.
Bên cạnh đó, cây dâm bụt cũng khá giàu vitamin C. Đây không chỉ là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ mà còn thúc đẩy quá trình sản xuất collagen, giúp da giữ được sự đàn hồi và vẻ ngoài trẻ trung.
Tăng cường miễn dịch
Khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch của cây dâm bụt chủ yếu đến từ hai thành phần chính là vitamin C và flavonoid.
Đầu tiên phải nhắc tới Vitamin C – một yếu tố thiết yếu trong việc tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể. Nó thúc đẩy sản xuất bạch cầu, củng cố hệ thống miễn dịch giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virus. Ngoài ra, vitamin C cũng hỗ trợ cải thiện chức năng của bạch cầu, tăng cường khả năng phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh.
Kế đến, flavonoid sẽ là “người bảo vệ” tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do, từ đó giảm bớt gánh nặng cho hệ thống miễn dịch, cho phép nó hoạt động một cách hiệu quả, mạnh mẽ và lâu dài hơn.
Hơn nữa, cây dâm bụt còn chứa một số vi chất tốt cho sức khỏe đường ruột. Theo các nhà khoa học, ruột chính là hậu phương của hệ miễn dịch. Cải thiện sức khỏe đường ruột không chỉ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại mà còn tăng cường hấp thu dưỡng chất để nuôi dưỡng tế bào, khả năng miễn dịch tổng thể của cơ thể.
Thanh lọc cơ thể
Gan là nhà máy thải độc của cơ thể, nắm giữ hoạt động thanh lọc và loại bỏ các độc tố khỏi máu. Như trên đã nói, 2 hoạt chất flavonoid và anthocyanin trong dâm bụt có thể giúp tăng cường chức năng gan bằng cách kích thích sản xuất các enzyme giải độc, giúp loại bỏ các tạp chất độc hại hiệu quả hơn.
Hoa dâm bụt còn chứa các hợp chất có tác dụng lợi tiểu, giúp tăng cường khả năng loại bỏ nước và chất cặn qua thận, qua đó giảm bớt gánh nặng cho thận và bổ trợ thêm cho quá trình thanh lọc cơ thể. Việc lọc bỏ được các cặn độc tố sẽ phần nào ngăn chặn nguy cơ hình thành sỏi thận cũng như một số bệnh lý về thận khác.
Điều trị đau nhức, cảm sốt
Trong y học cổ truyền, dâm bụt là dược liệu có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc và kích thích lưu thông khí huyết trong cơ thể. Đông y coi trạng thái đau nhức cơ thể là kết quả của việc khí huyết tắc nghẽn, tạo ra các mảng ứ đọng, gây ra đau đớn khó chịu. Các loại trà từ dâm bụt sẽ giúp giải tỏa những ứ khí này, từ đó giúp giảm được nhiều các triệu chứng đau như đau lưng, đau cổ vai gáy, đau đầu.
Đối với bệnh cảm, Đông y dựa vào việc cân bằng âm dương, lấy tính hàn của dâm bụt để khắc chế cơn nóng sốt, giúp cơ thể hạ nhiệt từ từ. Cùng với đó, các hoạt chất chống viêm sẽ hoạt động để tấn công virus, vi khuẩn, giúp cơ thể nhanh phục hồi.
Trị mụn
Một trong những nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá là sự phát triển quá mức của vi khuẩn propionibacterium acnes trên da. Các hoạt chất có trong cây dâm bụt, bao gồm các acid hữu cơ và flavonoid, có khả năng chống lại sự phát triển của vi khuẩn này, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm và hình thành mụn.
Trong một số trường hợp chăm sóc da và nội tiết tố kém, mụn trứng cá còn đi kèm với viêm da, gây ra sự đỏ, sưng và đau nhức. Khi đó, các thành phần chống viêm của dâm bụt sẽ giúp giảm tình trạng viêm trực tiếp tại các nốt mụn, làm dịu da, xẹp mụn nhanh.
Có nhiều cách tận dụng dâm bụt để điều trị mụn, bao gồm uống trà, thoa tinh chất, hoặc đắp mặt nạ dưỡng da. Một số loại mỹ phẩm trị mụn trên thị trường hiện tại cũng có chứa thành phần dưỡng chất chiết xuất từ cây dâm bụt, điều này cho thấy được công dụng vượt trội của loài thảo dược này.
Trị rụng tóc
Dâm bụt chứa một lượng lớn vitamin A, C và các loại amino acid, cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho tóc và da đầu. Vitamin C giúp sản xuất collagen trong khi vitamin A thúc đẩy sự sản xuất dầu tự nhiên sebum của da đầu, giúp sợi tóc giữ được độ ẩm, độ bóng khỏe và trở nên mềm mại hơn, giảm gãy rụng rõ rệt.
Các hoạt chất trong cây dâm bụt còn có khả năng kích thích các nang tóc, thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc. Điển hình như anthocyanin có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến da đầu, từ đó nuôi dưỡng tóc từ chân đến ngọn và kích thích tóc con phát triển.
Những bài thuốc cổ truyền từ cây dâm bụt
Hầu hết các thành phần của cây dâm bụt, từ hoa, lá cho đến rễ đều có thể dùng để làm thuốc. Cụ thể như sau:
Từ hoa cây dâm bụt
- Trà dâm bụt an thần, ngủ ngon: hoa râm bụt phơi khô từ 10-15g, hãm trà uống hàng ngày. Bổ sung thêm ít nhất 1-2 lít nước lọc mỗi ngày. Nên uống trà nóng ấm, vào buổi chiều tối trong 7-10 ngày để thấy tác dụng. Trà có vị hơi chua nhẹ. Bạn có thể thêm một chút mật ong rừng để cân bằng hương vị nếu muốn.
- Hoa dâm bụt chữa mụn nhọt: 50g hoa dâm bụt tươi bông to, không dập thối; 50g lá trầu không; 50g lá cây đuôi tôm. Tất cả đem giã nhuyễn và thêm vài hạt muối trắng. Lấy hỗn hợp này đắp lên mụn nhọt sẽ giúp tiêu mủ nhanh, giảm sưng đau, hạn chế viêm loét ra xung quanh.
- Dâm bụt hấp đường phèn chữa kiết lỵ: 10 bông dâm bụt to, cánh tươi, hái sáng sớm, rửa sạch để ráo. Thêm 1 thìa đường phèn hoặc 1 thìa đường đen mật mía, hấp cách thủy. Bạn ăn cả phần nước và hoa, vị chua ngọt rất dễ ăn. Chỉ từ 1-2 lần sẽ thấy triệu chứng kiết lỵ giảm dần.
Từ lá cây dâm bụt
- Rượu lá dâm bụt chữa tê mỏi chân tay: Cần chuẩn bị lá đào, lá dâm bụt, lá mận, lá si với tỉ lệ 1:1:1:1. Tất cả cần được phơi khô, sao vàng giòn. Chuẩn bị rượu nếp cái hoa vàng loại ngon, ngâm ngập lá khoảng 15 ngày là dùng được. Rượu dùng để xoa bóp, không uống.
- Lá đắp từ dâm bụt chữa quai bị: 50g lá dâm bụt tươi và 5-6 củ hành ta thơm. Bạn giã nhỏ nguyên liệu, thêm chút nước lọc và gạn lấy phần cốt (cỡ 3-4 thìa canh). Phần bã dùng để đắp trực tiếp lên phần quai bị và băng kín lại. Uống phần cốt để thúc đẩy đào thải virus, giúp nhanh khỏi bệnh hơn.
Từ rễ cây dâm bụt
- Rễ dâm bụt chữa rong kinh: 40g rễ cây dâm bụt và 30g lá cây long huyết, rửa sạch, sắc nước uống trong 3-7 ngày. Sau mỗi đợt sẽ nghỉ khoảng 1-2 tuần mới nên dùng tiếp. Thông thường, nếu không bị tình trạng rong kinh nặng, chỉ cần dùng 1 đợt sẽ thấy cải thiện rõ rệt.
- Chữa viêm dạ dày bằng rễ dâm bụt phơi khô: Cây dâm bụt lấy cả phần vỏ và rễ, mỗi ngày từ 4-12g sắc uống như trà. Nên chia làm 3 cữ uống mỗi ngày. Trà rễ dâm bụt không chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng đau dạ dày, mà còn giảm lở ngứa, sưng tấy, thanh lọc cơ thể.
Lưu ý khi sử dụng cây dâm bụt
Dâm bụt được ghi nhận là loại cây lành tính, nhưng bạn cũng cần kiểm soát liều lượng sử dụng để tránh gây ra những sự quá tải cho cơ thể. Đã có những ghi nhận về trường hợp uống trà dâm bụt quá nhiều khiến cơ thể bị ngộ độc, mất nước.
Bởi vậy, hãy lưu ý rằng việc dùng mọi loại thảo dược thiên nhiên đều cần sự cân bằng. Ngoài ra, có một số đối tượng khuyến cáo không nên sử dụng các sản phẩm, bài thuốc, chế phẩm từ cây dâm bụt, hoặc chỉ nên dùng một lượng rất nhỏ:
- Người có tiền sử huyết áp thấp
- Người đang điều trị sốt rét hoặc sử dụng thuốc có thành phần chronique
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, sản phụ…cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng
- Người bị ho hen nặng, thuyên tắc phổi, ho mãn tính nhiều năm không khỏi (do tính hàn của dâm bụt sẽ gây tác dụng ngược)
Kỹ thuật trồng cây dâm bụt tại nhà
Trồng một cây hoa dâm bụt không chỉ mang lại vẻ đẹp cho khu vườn hoặc góc nhà xinh xắn, mà còn tạo ra một không gian thư giãn đầy sự yên bình. Dưới đây là hướng dẫn từng bước chi tiết để bạn có thể tự trồng cây dâm bụt thành công, phù hợp với cả các bạn sống tại thành phố không có nhiều diện tích và điều kiện sân vườn.
Chọn giống
Khâu chọn giống sẽ quyết định toàn bộ sức đề kháng và hình thái cây của bạn sau này, vì vậy hãy kỹ lưỡng ngay từ đầu. Một số giống phổ biến bao gồm dâm bụt đỏ, dâm bụt vàng, và được ưa chuộng nhất là dâm bụt kép.
Bạn nên mua giống tại các vườn ươm uy tín hoặc cửa hàng trực tuyến. Lưu ý, nếu bạn không quen với việc trồng cây, cây giống sẽ dễ trồng và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới hơn là hạt giống. Chọn mua sẵn cây con đã được thuần hóa cũng là một cách thông minh cho người mới bắt đầu.
Ươm hạt và trồng
Trước tiên, hãy chuẩn bị một chậu có lỗ thoát nước tốt để tránh nguy cơ úng nước, gây hại cho rễ. Chậu nên đủ lớn để cây có không gian phát triển. Đất trồng cây dâm bụt lý tưởng là hỗn hợp giá thể giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Bạn có thể trộn đất thịt với một phần phân hữu cơ và cát để tạo ra môi trường lý tưởng cho cây dâm bụt sinh trưởng.
- Trồng từ hạt: gieo hạt giống đã được ngâm nứt nanh vào đất và phủ một lớp giá thể lên trên. Mỗi ngày phun sương đều lên mặt chậu sao cho đủ ẩm, không khô và cũng không bị úng. Hạt sẽ nảy mầm sau từ 5-7 ngày.
- Trồng từ cây con: Nếu bạn bắt đầu với cây giống, hãy đặt cây vào giữa chậu đã chuẩn bị sẵn đất. Vun thêm đất vào chậu sao cho gốc cây được phủ kín nhưng không lấp quá cao dễ làm thối thân. Kiểm tra cây đứng vững, đất đủ độ tơi xốp thoáng khí là được.
Chăm sóc cây & phòng trừ sâu bệnh
Bạn hãy đặt chậu cây ở nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp ít nhất 5-6 giờ mỗi ngày. Mỗi tháng một lần, bón thêm phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây.
Định kỳ tỉa bỏ những lá úa, cành gãy để cây tập trung nuôi dưỡng lá khỏe và mầm hoa. Cây dâm bụt nói chung có sức đề kháng tốt với sâu bệnh, tuy nhiên vẫn cần phải kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.
Khi trồng tại nhà, bạn không cần dùng đến hóa chất hay thuốc trừ sâu. Ưu tiên sử dụng các biện pháp tự nhiên như phun nước tỏi hoặc sử dụng nước xà phòng nhẹ để ngăn chặn sâu bệnh, bọ trĩ mà không ảnh hưởng đến môi trường sống của gia đình.
Những lỗi sai thường gặp
Khi trồng cây dâm bụt tại nhà, đặc biệt là nhà đô thị, có những lỗi sai kinh điển nhiều người mắc dưới đây có thể gây lụi cây, chết cây, cây không ra hoa:
- Tưới quá nhiều nước: Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi chăm sóc dâm bụt là tưới quá nhiều nước, khiến rễ cây bị ngập úng và thối rễ. Hãy chỉ tưới nước khi bề mặt đất phía trên khô hoàn toàn, cắm ngón tay vào chậu không cảm thấy độ lạnh ẩm xung quanh ngón tay.
- Thiếu ánh sáng: Dâm bụt là cây ưa sáng. Trồng cây ở nơi thiếu sáng sẽ khiến cây yếu ớt và ít hoa. Nếu bắt buộc trồng cây trong nhà, cố gắng di chuyển cây ra ngoài ban công, trước hiên nhà vào các khung giờ có nắng nhẹ ít nhất 2 lần mỗi tuần để cây được quang hợp tốt hơn.
- Không tỉa cành: Tỉa cành không chỉ giúp cây có hình dáng đẹp mà còn kích thích sự phát triển của hoa mới. Nhiều người không chú trọng bước này, khiến cây rất sai lá nhưng lại khó đậu hoa, khi hoa nở cũng bị lệch hoặc nhạt màu, không đẹp như màu gốc.
Bằng cách tránh những sai lầm này và tuân thủ đúng các bước chăm sóc cơ bản, bạn sẽ có một cây dâm bụt khỏe mạnh, ra hoa đẹp mắt, tô điểm thêm cho căn nhà của bạn.
Qua bài viết trên đây, hy vọng rằng bạn đã có được cho mình một cẩm nang nhỏ về cây dâm bụt để chăm sóc bản thân và gia đình. Hãy ứng dụng nhiều hơn các loại thảo dược vào cuộc sống hàng ngày để sống lành và thuận tự nhiên hơn nhé.