Củ gừng không chỉ là một gia vị được dùng trong bữa ăn hàng ngày mà còn là vị thuốc dân gian đem tới tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết những công dụng này, đồng thời hướng dẫn bạn cách trồng tại nhà để có thể sử dụng ngay khi cần thiết.
Bảng giá trị dinh dưỡng trong củ gừng
Gừng là một loại thực vật thuộc họ Zingiberaceae có họ hàng gần với nghệ, bạch đậu khấu và giềng. Đặc điểm của chúng là phần thân rễ bò ngang tạo thành củ, lá gồm các bẹ dài ôm lấy nhau và có mùi thơm.
Bạn đọc có thể tham khảo giá trị dinh dưỡng có trong 100g củ gừng tươi trong bảng dưới đây:
Dinh dưỡng | Hàm lượng |
Lượng calo | 4.8 |
Carbohydrate | 1.07g |
Protein | 0.11g |
Chất xơ | 0.12g |
Chất béo | 0.5g |
Các khoáng chất khác | Vitamin C, Folate, Phốt pho, Niacin,Vitamin B6, Vitamin B3, Riboflavin, Kali, Magie, Kẽm |
8 công dụng của củ gừng đối với sức khỏe
Chính nhờ những giá trị dinh dưỡng của củ gừng mà chúng đem lại vô vàn tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Trong đó phải kể đến khả năng giữ ấm cơ thể, hỗ trợ hệ tiêu hoá và kháng viêm hiệu quả.
Giảm triệu chứng buồn nôn và ốm nghén ở phụ nữ mang thai
Tình trạng buồn nôn và ốm nghén thường xảy ra ở phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai. Nhiều người sử dụng củ gừng tươi để giảm triệu chứng này thay cho các loại thuốc Tây y. Bạn có thể cân nhắc sử dụng củ gừng để điều trị ốm nghén theo một trong các cách dưới đây:
- Dùng củ gừng tươi để pha với nước ấm và ít đường rồi uống trực tiếp.
- Nếu không thích mùi cay nồng của gừng khô thì có thể sử dụng bột gừng tươi pha với nước ấm uống khi có triệu chứng.
- Xay nhuyễn gừng và trộn với vài giọt nước chanh giúp giảm cơn buồn nôn hiệu quả.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Theo Tây y, củ gừng có chứa các enzyme có khả năng đẩy khí và giảm hiện tượng lên men trong bụng sau khi ăn. Vì vậy, chúng có khả năng thúc đẩy nhu động ruột, tăng khả năng tiêu hoá thức ăn và làm dịu dạ dày. Theo Đông y, củ gừng có vị cay, tính ấm có tác dụng vào 3 kinh là phế, vị, tỳ cho khả năng ôn trung, tán hàn giúp điều trị rối loạn tiêu hoá, đầy bụng, nôn mửa.
Ngay khi có các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, khó chịu, bạn hãy ngậm một lát gừng tươi hoặc đập dập gừng pha với nước sôi trong 10 phút. Ngoài ra, để dễ uống hơn, bạn có thể pha cùng với một ít mật ong hoặc đường để gia tăng hương vị, lấn át bớt mùi cay nồng của gừng. Mật ong là một bộ đôi tuyệt vời khi kết hợp cùng gừng.
Kháng viêm
Theo các nhà khoa học, củ gừng có chứa các hợp chất như gingerol và shogaol cho khả năng chống oxy hóa, giảm sản xuất các chất gây viêm trong cơ thể. Đồng thời, chúng còn giúp giảm đau, sưng khi cơ thể gặp tổn thương.
Công dụng giảm đau, kháng viêm của củ gừng có thể áp dụng cho các trường hợp như viêm khớp dạng thấp, viêm đường tiêu hoá,viêm nha chu… Đặc biệt, tác dụng chống viêm của củ gừng không hề gây ra tác dụng phụ đến dạ dày như các loại thuốc Tây. Bạn có thể ăn trực tiếp gừng tươi, ngậm, pha với nước nóng để sử dụng hàng ngày.
Giảm đau
Củ gừng có chứa thành phần sinh học giúp ngăn ngừa sự hình thành của leukotrienes gây ra các cơn đau nhức. Gừng kết hợp với chất gingerol giúp chống viêm hiệu quả. Từ đó, bạn có thể sử dụng gừng để giảm các cơn đau như đau đầu, đau khớp, đau lưng, đau cơ bằng cách dùng trà gừng để giảm bớt cơn đau đầu và có giấc ngủ ngon hơn.
Ngoài ra, để giảm cơn đau cơ bắp sau tập luyện, chúng ta có thể sử dụng vài giọt tinh dầu gừng pha với nước ấm nóng để ngâm mình trong 15-20 phút, việc làm này sẽ giúp cơ thể có cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều.
Tăng cường miễn dịch
Hoạt chất sinh học ginestin có khả năng tăng cường miễn dịch, giảm nhiễm trùng và giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Củ gừng rất giàu magie, kẽm, crôm giúp lưu thông máu, giữ ấm cơ thể, chống lại các tác nhân xấu từ môi trường. Đặc biệt, khi kết hợp với chanh có vitamin C sẽ giúp tăng đề kháng hiệu quả, tránh các bệnh hô hấp mỗi khi giao mùa.
Gừng, chanh hấp cùng mật ong là liều thuốc dân gian tăng đề kháng dễ làm tại nhà và bảo quản được rất lâu. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, rất khuyến khích bạn luôn giữ sẵn trong nhà.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do cholesterol cao
Như đã đề cập, củ gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa và những chất này có thể giảm sự hình thành mảng bám trong động mạch do lượng cholesterol cao gây ra. Từ đó, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch hiệu quả.
Ngoài ra, củ gừng còn giúp giảm huyết áp hiệu quả, hỗ trợ lưu thông máu và thư giãn các cơ xung quanh mạch máu. Để sử dụng, hãy uống trà gừng nóng hoặc ăn tươi bằng cách thêm vào salad, cháo, súp… đều được.
Cải thiện hô hấp
Tính cay nóng, tính ấm của củ gừng giúp giãn các mao mạch, tăng tiết mồ hôi và giữ ấm cơ thể hiệu quả. Chúng không chỉ giúp tăng tuần hoàn máu mà còn chống lại các virus xâm nhập vào đường hô hấp. Từ đó giúp giảm và ngăn ngừa các triệu chứng như ho, cảm lạnh.
Ngoài ra, vitamin và khoáng chất có trong củ gừng như kẽm, kali, beta-carotene rất tốt để duy trì sức khỏe phổi. Hãy ngậm một lát gừng hoặc pha thành trà để sử dụng hàng ngày. Một cách trị cảm lạnh khác đó là dùng củ gừng tươi nấu với rượu để cạo gió giúp giải cảm, giảm ho đờm, khó thở rất hiệu quả.
Hỗ trợ phòng chống ung thư
Hợp chất gingerol có trong củ gừng không bền ở nhiệt độ cao sẽ chuyển hoá thành shogaol. Chất này có khả năng chống oxy hoá và ung thư hiệu quả bao gồm ung thư vú, ung thư máu, ung thư gan, trực tràng, tuyến tiền liệt, mắt, phổi…
Có rất nhiều cách sử dụng củ gừng để phòng chống ung thư, bạn có thể tham khảo các cách dưới đây:
- Uống nước ép gừng tươi hoặc đun nóng lấy nước sử dụng hàng ngày.
- Lấy nước sắc củ gừng pha với nghệ và mật ong.
- Pha trà gừng với hạt thì là, sữa lạc đà uống 1 ly trước bữa sáng.
- Sử dụng 100g bột gừng khô đun với nước, uống 2 lần/ngày sau bữa ăn để phòng chống ung thư dạ dày.
Những lưu ý khi sử dụng củ gừng để chăm sóc sức khỏe
Tuy củ gừng đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ nhưng bạn cần chú ý về liều lượng, đối tượng và trường hợp sử dụng để tránh các tác dụng phụ có thể gây ra.
- Không nên sử dụng quá 5g gừng/lần. Việc dùng quá nhiều gừng sẽ gây ợ nóng, tiêu chảy, kích ứng, nhiệt miệng, nóng trong.
- Không sử dụng gừng cho các đối tượng: Người chuẩn bị mổ, mới mổ xong, người bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, băng huyết, ho ra máu, người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng, sốt cao.
- Trước khi sử dụng củ gừng lên bề mặt da cần thử một lượng nhỏ để xem có gây ra kích ứng hay không.
- Nên rửa sạch và sử dụng cả vỏ gừng bởi vỏ cũng đem lại rất nhiều công dụng giảm sưng, chống đổ mồ hôi, bí tiểu…
- Không ăn gừng vào ban đêm sẽ khiến bạn khó chịu và gây thương tích cho cơ thể.
- Không dùng củ gừng bị mọc mầm bởi chúng sẽ tiêu thụ các chất dinh dưỡng vốn có và sinh ra độc tố gây ra ung thư thực quản và ung thư gan.
- Tuy củ gừng rất tốt cho phụ nữ mang thai nhưng tuyệt đối không sử dụng ở 3 tháng thai kỳ cuối để tránh gây tăng huyết áp có hại cho cả mẹ và bé.
- Không sử dụng chung gừng với các loại thuốc aspirin và coumarin, cần dùng cách nhau ít nhất là 4 giờ.
Cách tự trồng củ gừng tại nhà phố đơn giản cho củ siêu to
Tuy gừng có thể mua ngoài chợ, siêu thị nhưng đôi khi không đảm bảo về chất lượng. Lựa chọn trồng gừng tại nhà không chỉ dễ thực hiện mà thời gian thu hoạch nhanh, có thể sử dụng bất cứ khi nào, an tâm về chất lượng. Nếu bạn đã thử tự trồng gừng nhưng gặp các tình trạng thối củ, không lên cây, cây còi cọc củ nhỏ…thì hãy xem kỹ các hướng dẫn dưới đây nhé.
Chuẩn bị
Để quá trình trồng gừng thành công, cho ra thành phẩm chất lượng, bạn hãy chuẩn bị các nguyên liệu và dụng cụ dưới đây:
- Củ gừng giống
- Chậu
- Đất trồng
- Dao
- Thau
- Bình tưới nước
Lưu ý:
- Nên chọn giống gừng trâu già hoặc gừng sẻ, trên 10 tháng tuổi, không bị bệnh. Ngoài ra, ưu tiên chọn củ thân dày, trơn nhẵn, tươi và chú ý bỏ đi phần gốc của gừng giống.
- Chọn loại chậu sành hoặc nhựa, kích thước chiều rộng khoảng 30-35cm, chiều cao từ 35-40cm.
- Chọn đất trồng tơi xốp, có thể chọn đất trộn dinh dưỡng sẵn ở cửa hàng hoặc bạn có thể trộn tro trấu, trấu sống, phân giun quế theo tỉ lệ 2:1:1 để trồng gừng.
Trồng & chăm sóc
Bước 1: Lấy 1 chậu nước, đặt gừng giống vào ngâm qua đêm. Sau đó, dùng dao cắt thành nhiều phần, mỗi phần khoảng 40-60g. Chú ý không cắt mắt gừng và loại bỏ mầm gừng.
Bước 2: Cho đất trồng vào chậu với độ cao chiếm nửa phần chậu. Sau đó, nén nhẹ xuống rồi cho 2 đoạn gừng giống vào. Vùi chúng xuống mặt đất sâu khoảng 2,5 – 3cm.
Bước 3: Tưới nước cho chậu gừng 2-3 lần/ngày. Chú ý tưới lượng nước vừa phải, việc tưới quá nhiều sẽ gây úng nước khiến củ bị thối chết.
Sau 20 ngày, củ gừng bắt đầu nảy mầm. Khi thấy gừng có nhiều lá, tiến hành tưới 1 lần/ngày duy trì trong vòng 7-8 tháng. Trong giai đoạn này, bạn cần chú ý một số vấn đề về cách chăm sóc để cây lớn nhanh và có nhiều dinh dưỡng:
- Chú ý đảm bảo độ ẩm vừa phải cho đất trồng để cây phát triển tốt nhất.
- Đảm bảo cây đón đủ ánh sáng mỗi ngày. Hãy đặt cây gừng ở hiên nhà, nơi có nắng vừa phải để chúng quang hợp 5-6 giờ/ngày.
- Khi thấy củ bắt đầu nhú lên trên bề mặt đất, hãy cho một lớp dày khoảng 3-4cm, dùng phân giun quế hoặc phân hữu cơ để bón cho cây lớn nhanh.
Sau 7-8 tháng, khi lá gừng rụng hết, đây là thời điểm thích hợp để thu hoạch gừng. Bạn có thể tiến hành đào củ lên và rửa sạch để sử dụng.
Chống sâu bệnh
Trong quá trình phát triển, rất có thể cây gừng sẽ bị sâu bệnh xâm hại. Nếu không có biện pháp phòng trừ sẽ khiến cây bị thối củ dẫn đến chết mòn. Dưới đây là một số biện pháp chống sâu bệnh hiệu quả cho bạn tham khảo:
- Chọn giống gừng sạch bệnh, có thể xử lý bằng các loại thuốc gốc đồng, Validacin, Score, Phatox để loại bỏ nấm bệnh.
- Khi thu hoạch, cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, mang những cây bệnh đem chôn.
- Nên trồng gừng với mật độ vừa phải, bón thêm tro trấu, phân kali…tránh bón thừa đạm để phòng chống sâu bệnh, gia tăng sức khỏe cho cây.
- Thường xuyên kiểm tra vườn nhằm phát hiện sớm lá có đốm bệnh, tiến hành loại bỏ để tránh lây lan sang phần khác.
- Phun thuốc chống sâu bệnh như Eddy 72WP kết hợp HT CaSi, Keviar 325SC. Khi độ ẩm cao, nhiều sương mù, bạn có thể phun thuốc phòng chống bệnh như Antracol 70WP, Manage 15WP, Amistar 250SC…Tuy nhiên cách này không khuyến cáo vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt những bạn trồng gừng tại nhà. Chỉ cần bạn chịu khó lưu tâm đến những thay đổi của thời tiết, hình thái cây để chăm sóc, di chuyển chậu sang vị trí hợp lý hơn là được.
Mẹo bảo quản gừng tươi lâu
Sau khi thu hoạch gừng, để sử dụng trong thời gian dài mà không bị hỏng, thối và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, bạn hãy tham khảo các cách bảo quản dưới đây:
- Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh: Bọc gừng trong giấy bạc hoặc màng bọc thực phẩm rồi cho gừng vào túi bóng kín rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp gừng giữ độ tươi ngon và đảm bảo dinh dưỡng vốn có trong tối đa 2 tháng.
- Bảo quản trong ngăn đông: Rửa sạch gừng, đặt vào hộp kín hoặc bọc màng thực phẩm rồi trữ đông. Ngoài ra, bạn có thể bảo quản gừng trong túi zip nhưng cần ép hết không khí rồi mới cất vào tủ. Khi sử dụng, bạn không cần thời gian rã đông nhưng cần lấy một lượng vừa đủ sử dụng, không nên bỏ toàn bộ củ gừng ra ngoài.
- Ướp với muối, chanh, đường: Tiến hành rửa sạch gừng, đập nát rồi trộn với một ít đường, muối trắng, nước cốt chanh rồi cho vào hộp đậy nắp kín để vào tủ mát.
- Vùi gừng vào thùng cát: Đem gừng tươi mới thu hoạch vùi sâu vào trong thùng cát rồi đặt ở nơi thông thoáng. Cách này giúp bạn bảo quản gừng ít nhất 2 tuần. Bạn có thể áp dụng đối với cà rốt, khoai tây và một số củ quả khác.
- Nghiền gừng thành bột: Phơi hoặc sấy khô gừng trong 1 tuần rồi nghiền thành bột, cho vào lọ thuỷ tinh có nắp kín. Cách này có thể bảo quản gừng lên tới cả năm nhưng chỉ áp dụng khi bạn không có nhu cầu sử dụng củ gừng tươi.
- Ngâm gừng với giấm: Cách này không chỉ giúp bảo quản gừng hiệu quả mà còn giúp bạn tận dụng nước gừng ngâm. Loại nước này giúp đào thải độc tố trong cơ thể, đốt mỡ và ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả. Khi ngâm, bạn nên chọn loại gừng non, thái lát mỏng và chần qua với nước sôi. Sau đó, đem gừng ngâm với nước, giấm, đường theo tỉ lệ 1:1:1 trong lọ thuỷ tinh và ngâm trong 3 ngày.
Tóm lại, gừng là loài thực vật dễ trồng, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần chú ý về liều lượng dùng cũng như đối tượng sử dụng để củ gừng không gây ra những tác dụng phụ có hại cho cơ thể.