Blog

Củ nghệ: Lật mở mọi điều về thứ dược liệu thân thuộc của người Việt

Củ nghệ là một loại gia vị, cũng là liều thuốc dân gian quen thuộc với người Việt. Từ rất lâu, cha ông ta đã biết cách dùng nghệ tươi hay tinh bột nghệ trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi hỏi về sự khác nhau giữa các loại củ nghệ cũng như cách ứng dụng đúng thì nhiều người lại lúng túng. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã biết hết về cây nghệ, hãy đọc bài viết này để khám phá nhiều mặt thú vị của loài cây dân dã này nhé.

Củ nghệ: Bài thuốc quý dân gian

Nghệ là một loại cây thân thảo thuộc họ gừng, tên khoa học là Curcuma longa. Đây là giống cây đặc trưng của châu Á, với phần củ chứa nhiều dinh dưỡng nằm chìm dưới đất, các phần thân lá khác ít được sử dụng.

Nguồn gốc của nghệ là ở cùng Tamil Nadu, Ấn Độ, nơi người dân đã đào rễ của một loại cây lên để lấy màu nhuộm áo quần. Sau này, qua quá trình sử dụng, các tác dụng với xương khớp, da, hệ tiêu hóa của củ nghệ mới dần được ghi nhận.

Ngày nay, dù y học phát triển giúp tạo ra nhiều loại tân dược, nhưng tinh chất nghệ vẫn góp mặt trong nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe, cơ thể, gia đình như sữa rửa mặt, thuốc đông Y, thuốc viên tây Y hay các món ăn đóng gói sẵn. Đặc biệt tại Việt Nam, có những bài thuốc Nam cổ truyền và món ẩm thực đặc trưng không thể thiếu được nghệ. 

Tinh chất chiết xuất từ củ nghệ góp mặt trong nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Tinh chất chiết xuất từ củ nghệ góp mặt trong nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Khi chế biến nghệ, người ta thường làm theo 4 cách chính:

  • Sử dụng tươi: Khi nấu ăn hoặc bôi trực tiếp lên vết thương 
  • Phơi khô: Củ tươi rửa sạch, ráo nước, cắt khúc chéo và phơi nắng cho đến khi khô quắt lại. Nghệ khô sẽ dùng làm gia vị nấu ăn hoặc bốc thuốc.
  • Sao khô: Có thể sao cùng phèn chua hoặc giấm, bằng cách ngâm nghệ trong dung dịch chua, sau đó để khô và mang đi sao cho đến khi khô giòn. Nghệ sao cũng thường dùng để bốc thuốc hoặc ngâm rượu.
  • Chế tinh bột: Sử dụng các phương pháp hiện đại để chiết xuất lấy bột hoặc tinh bột nghệ, ứng dụng trong rất nhiều công thức từ nấu ăn, pha chế đồ uống cho đến làm thuốc.

Phân biệt các loại củ nghệ

Thông thường, khi nhắc đến nghệ, hình ảnh đầu tiên mà chúng ta liên tưởng sẽ là một loại củ có ruột màu vàng. Ngược lại, thực tế có đến 4 loại củ nghệ khác nhau, được phân biệt dựa trên màu sắc củ cũng như hàm lượng curcumin có trong mỗi loại.

Củ nghệ vàng

Củ nghệ vàng có vỏ ngoài nâu xám, mùi thơm nồng, vị cay nhẹ, ruột vàng đặc trưng.
Củ nghệ vàng có vỏ ngoài nâu xám, mùi thơm nồng, vị cay nhẹ, ruột vàng đặc trưng.

Nghệ vàng được trồng đại trà ở nhiều nơi, có tên dân gian là khương hoàng hoặc uất kim hương. Củ nghệ vàng có vỏ ngoài nâu xám, mùi thơm nồng, vị cay nhẹ, ruột vàng đặc trưng. Củ càng già màu sắc càng vàng đậm ngả cam hơn. 

Củ nghệ vàng chứa khoảng 3% curcumin/100mg tinh bột. Theo khoa học hiện đại, dược tính của nghệ vàng thuộc nhóm trung bình. Trong y học cổ truyền, nghệ vàng lại thuộc nhóm dễ ứng dụng vì chữa được nhiều bệnh, công dụng không quá mạnh nên sẽ ít gây tác dụng phụ cho người sử dụng.

Với màu sắc vàng đặc trưng, nghệ vàng cũng là loại nghệ được trồng và khai thác làm bột nghệ trong nấu ăn, làm màu thực phẩm nhiều nhất.

Củ nghệ đỏ

Củ nghệ đỏ khá giống nghệ vàng, màu sắc vỏ ngả nâu sẫm hơn, và ruột nghệ có màu cam đậm.
Củ nghệ đỏ khá giống nghệ vàng, màu sắc vỏ ngả nâu sẫm hơn, và ruột nghệ có màu cam đậm.

Nếu bạn nghĩ nghệ đỏ có màu đỏ thì thật sai lầm. Về cơ bản, củ nghệ đỏ khá giống nghệ vàng. 2 loại củ này chỉ được phân biệt ở màu sắc vỏ ngả nâu sẫm hơn, và ruột nghệ đỏ có màu cam đậm thay vì màu vàng cam như nghệ vàng. Ngoài ra, tại Việt Nam, nghệ đỏ chỉ trồng tốt nhất tại Khoái Châu, Hưng Yên.

Khi chiết xuất thành tinh nghệ, hàm lượng curcumin của củ nghệ đỏ cao hơn hẳn nghệ vàng, với chỉ số từ 4.5% – 4.7% trên mỗi 100mg tinh bột. Nghệ đỏ có mùi hương nhẹ hơn nghệ vàng một chút, nên khi dùng hàng ngày khá tiện dụng, không cần chế biến nhiều.

Nghệ đỏ đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh, người máu huyết kém, cơ địa nhiệt vì không sợ gây nổi mụn, nóng gan, tán huyết.

Củ nghệ đen

Khi cắt ra, củ nghệ đen có phần ruột tím xanh nên còn được dân gian gọi là nghệ xanh
Khi cắt ra, củ nghệ đen có phần ruột tím xanh nên còn được dân gian gọi là nghệ xanh.

Nghệ đen có vẻ ngoài đặc trưng, dễ nhận biết nhất trong 4 loại nghệ, Chúng có lớp vỏ sần sùi và màu đen gần giống như củ gừng. Khi cắt ra, củ nghệ đen có phần ruột tím xanh nên còn được dân gian gọi là nghệ xanh

Một số người cho rằng nghệ đen có thể dùng như nghệ vàng và nghệ đỏ. Tuy nhiên, củ nghệ đen hoàn toàn không thể thay thế nghệ vàng bởi dược tính có phần khác biệt. Nghệ đen mùi hăng mạnh, vị đắng, tính ấm, khả năng phá ứ huyết tốt. Chính vì vậy, tuyệt đối không dùng nghệ đen cho người bị rong kinh, phụ nữ hoặc các thai phụ.

Người ta thường dùng trực tiếp nghệ đen tươi để điều trị các bệnh ngoài da, giúp tan các vết bầm và các bệnh viêm da rất tốt. Ngoài ra, phụ nữ đau bụng kinh uống nghệ đen cũng sẽ đẩy nhanh máu ứ, tốt cho sức khỏe phụ khoa.

Củ nghệ trắng

Nghệ trắng là tên gọi khác của nghệ rừng, vỏ ngoài nhiều vảy và ruột màu vàng nhạt. Nghệ trắng có hàm lượng curcumin thấp nhất trong 4 loại nghệ, hương vị cũng nhẹ nhàng nhất. Vì vậy, củ nghệ trắng thường được dùng làm gia vị nấu ăn.

Trong y học, nghệ trắng có mặt trong các bài thuốc trị ho, làm ấm cơ thể, điều hòa kinh nguyệt và các vấn đề khó tiêu, chướng bụng.

Ở Việt Nam, các vùng núi Tây Bắc, Quảng Bình, Đắk Lắk là nơi tập trung sinh trưởng của cây nghệ trắng. 

Các công dụng nổi bật của củ nghệ

Khi dùng củ nghệ, curcumin sẽ trung hòa các gốc oxy hóa, từ đó cơ thể tăng cường miễn dịch, chống lại các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.
Khi dùng củ nghệ, curcumin sẽ trung hòa các gốc oxy hóa, từ đó cơ thể tăng cường miễn dịch, chống lại các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Chống lão hóa

Curcumin là một hoạt chất chống oxy hóa có trong củ nghệ, giúp cơ thể chống lại tiến trình lão hóa tự nhiên. Khi dùng củ nghệ, curcumin sẽ trung hòa các gốc oxy hóa, từ đó cơ thể tăng cường miễn dịch, chống lại các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài, kích hoạt sự trẻ hóa từ bên trong.

Kháng viêm tự nhiên

Như đã nhắc ở trên, curcumin có tác dụng chống oxy hóa. Với hàm lượng lớn curcumin, củ nghệ chính là một loại kháng viêm từ tự nhiên vô cùng lành tính. Sử dụng nghệ trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày sẽ tăng cường hàng rào bảo vệ cho cơ thể, chống lại các tác nhân gây viêm như virus, vi khuẩn, đồng thời chữa lành các tổn thương sẵn có.

Tăng cường chức năng não bộ

Curcumin là hoạt chất đặc biệt có khả năng vượt qua hàng rào máu não, giúp dọn dẹp các mảng Amyloid – căn nguyên của căn bệnh Alzheimer. Việc sử dụng nghệ hàng ngày một cách hợp lý sẽ hỗ trợ não bộ chống lại không chỉ Alzheimer, mà còn trợ giúp rất nhiều trong điều trị các vấn đề bệnh lý thoái hóa thần kinh khác. 

Củ nghệ cũng được dùng để làm nhẹ triệu chứng của bệnh đau nửa đầu, khi tính ấm tương tự như gừng của nó có thể xoa dịu các cơn đau khó chịu.

Hỗ trợ hệ tim mạch

Curcumin trong củ nghệ có thể coi như một hoạt chất toàn năng bởi khoa học đã chứng minh nó giúp giảm lượng cholesterol xấu LDL trong máu. Điều này rất quan trọng cho việc nâng cao sức khỏe tim mạch, phòng chống các bệnh nguy hiểm như mỡ máu, mỡ gan, huyết áp cao. 

Trong 1 nghiên cứu lâm sàng gần đây trên nhóm 121 bệnh nhân phẫu thuật động mạch vành, những người dùng 4g curcumin/ngày trước và sau phẫu thuật giảm đến 65% nguy cơ cơn đau tim so với nhóm chỉ dùng giả dược. Do vậy, củ nghệ được xác nhận có thể làm chậm hoặc đảo ngược nhiều bước trong tiến trình bệnh tim mạch.

Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư

Hoạt chất curcumin trong nghệ vàng và nghệ đỏ được coi là một phương pháp tiềm năng trong việc ngăn ngừa ung thư nhờ vào nhiều cơ chế tác động. Cụ thể, curcumin sở hữu đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương DNA do gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ biến đổi tế bào gây ung thư. 

Ngoài ra, chất này cũng có tác dụng ức chế sự tăng trưởng và khả năng di căn của tế bào ung thư, thúc đẩy tự chết tế bào và ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới cần thiết cho sự phát triển của khối u.

Chữa các bệnh dạ dày

Hoạt chất curcumin trong củ nghệ giúp giảm viêm trong dạ dày và đường tiêu hóa
Hoạt chất curcumin trong củ nghệ giúp giảm viêm trong dạ dày và đường tiêu hóa.

Hoạt chất curcumin trong củ nghệ giúp giảm viêm trong dạ dày và đường tiêu hóa, từ đó có ích trong việc điều trị các tình trạng viêm loét dạ dày và viêm đại tràng. Bên cạnh đó, nó còn tăng cường sự bảo vệ cho niêm mạc dạ dày bằng cách kích thích sản xuất chất nhầy, từ đó giúp ngăn chặn tổn thương do acid dạ dày. 

Hơn nữa, nghệ cũng kích thích tiêu hóa bằng cách thúc đẩy sự tiết ra của mật và các dịch tiêu hóa, hỗ trợ quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và cải thiện chức năng tiêu hóa. Đặc biệt, curcumin có hoạt tính chống vi khuẩn, ví dụ như khuẩn Helicobacter pylori gây ra bệnh dạ dày, khó tiêu. Thêm nghệ vào bữa ăn sẽ giúp bạn cải thiện tiêu hóa, giảm nhẹ các khó chịu do hoạt động yếu của dạ dày gây ra.

Giảm nhẹ triệu chứng viêm khớp

Củ nghệ có các hoạt chất nắm giữ khả năng ức chế các yếu tố viêm như cytokines và COX-2, giúp giảm đau và viêm. Nó cũng bảo vệ sụn khỏi tổn thương bằng cách ngăn chặn sự tấn công của gốc tự do, qua đó giảm tổn thương tế bào và mô. 

Ngoài ra, curcumin với vai trò kháng viêm tự nhiên sẽ cải thiện chức năng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tiến trình viêm nhiễm. Những tác động này làm cho nghệ trở thành một phần quan trọng trong điều trị và giảm triệu chứng cho người bệnh viêm khớp.

Làm đẹp, ngừa sẹo mụn

Không khó để tìm thấy thành phần nghệ trong các loại mỹ phẩm làm đẹp, trẻ hóa da. Điều này dễ hiểu vì curcumin vốn là hoạt chất làm đẹp hiệu quả với khả năng chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa, thúc đẩy lành thương và làm đều màu da. Chất này còn tham gia vào việc ngăn chặn mụn phát triển, đặc biệt là mụn viêm; cũng như làm mờ sẹo hiệu quả. 

Các bác sĩ da liễu đã xác nhận rằng củ nghệ chứa các tinh chất giúp kiểm soát dầu, làm sạch lỗ chân lông, giảm đốm nâu và cải thiện làn da mịn màng. Đắp mặt nạ nghệ kết hợp với mật ong, sữa chua hoặc nước cốt chanh mỗi ngày có thể giúp bạn nuôi dưỡng một làn da trắng sáng, căng bóng đều màu.

7 bài thuốc nổi bật từ củ nghệ

Trong dân gian Việt Nam lưu truyền rất nhiều các bài thuốc từ nghệ. Dưới đây là một số bài thuốc tiêu biểu mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà. Lưu ý rằng nghệ không thể thay thế hoàn toàn các loại thuốc đặc trị. Vì vậy, trước khi áp dụng phương pháp nào hãy cân nhắc hoặc tham khảo bác sĩ chuyên môn.

Nước ép nghệ trừ giun

  • Nguyên liệu: Củ nghệ vàng còn tươi, bỏ vỏ và 1 nhúm nhỏ muối
  • Cách làm: Ép lấy nước nghệ tươi nguyên chất, lấy 1 thìa canh và thêm vào vài hạt muối. Uống vào lúc sáng sớm khi bụng đói sẽ giúp trừ giun tự nhiên rất tốt, không tác dụng phụ cũng như không sợ say như khi dùng thuốc.

Bột nghệ chữa sởi

  • Nguyên liệu: 1 thìa cafe bột nghệ đen, nửa thìa cafe mật ong rừng nguyên chất, 1 thìa cafe nước cốt vò từ lá bầu/bí tươi
  • Cách làm: Trộn chung tất cả các nguyên liệu với nhau để uống trực tiếp. Mỗi ngày uống từ 2-3 lần sẽ khiến sởi mau phát ra ngoài và cơ thể phục hồi nhanh hơn, không bị chạy trong gây biến chứng.

Nghệ mật ong tăng cường sức khỏe

  • Nguyên liệu: Nghệ vàng, mật ong rừng nguyên chất.
  • Cách làm: Nghệ vàng rửa sạch, bỏ vỏ, ép lấy nước cốt. Trộn nước cốt nghệ với mật ong theo tỷ lệ 3:1 hoặc vị vừa uống. Mỗi ngày uống 2 lần da dẻ mịn màng, hồng hào, máu huyết lưu thông, cơ thể khỏe khoắn. Bài thuốc này phát huy công dụng đặc biệt tốt đối với phụ nữ sau sinh.

Sữa nghệ ngủ ngon, trị ho cảm

  • Nguyên liệu: 1 thìa cafe tinh bột nghệ vàng hoặc trắng, 200ml sữa tươi
  • Cách làm: Đun ấm sữa liu riu, sau đó cho bột nghệ vào đun cùng. Khuấy nhẹ cho đến khi bột tan hoàn toàn và có 1 lớp bọt sữa mỏng. Uống ấm trước khi ngủ khoảng 15 phút. Nếu dùng cho trẻ nhỏ có thể thêm 1 thìa mật ong tạo vị ngọt.
Uống sữa củ nghệ giúp ngủ ngon hơn, trị ho cảm
Uống sữa củ nghệ giúp ngủ ngon hơn, trị ho cảm

Nghệ nướng chữa thủy đậu

  • Nguyên liệu: Củ nghệ đỏ, nước lọc và nghệ vàng.
  • Cách làm: Nghệ đỏ để nguyên vỏ, rửa sạch, nướng thành tro và lấy tro đó trộn với 1 chén nhỏ nước lọc. Dùng hỗn hợp bôi vào các nốt thủy đậu ngay khi mụn nước vừa mới mọc. Nghệ vàng phơi khô, sắc nước uống hàng ngày để thúc đẩy làn da tái tạo nhanh, cơ thể đào thải virus tốt hơn.

Viên nghệ bổ gan

  • Nguyên liệu: 4g nghệ vàng, 8g rau má tươi, nhân trần và hoàng bá nam mỗi thứ 6g, dành dành và nhọ nồi mỗi thứ 4g, 4g vối rừng
  • Cách làm: Củ nghệ, dành dành, vối rừng phơi hoặc sao khô, tán nhỏ mịn như bột. Các nguyên liệu còn lại nấu đặc đem trộn cùng hỗn hợp bột thành dạng dẻo mịn. Viên thành các viên hoàn nhỏ khoảng 2.5g/viên. Mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần/

Nghệ ích mẫu điều kinh

  • Nguyên liệu: 12g nghệ đen tươi, 20g ích mẫu, sinh địa và huyền sâm mỗi thứ 16g, địa cốt bì 12g, một số loại thảo dược kết hợp khác như đào nhân, hoàng liên, mỗi thứ một chút không quá 8g.
  • Cách làm: Đem tất cả nguyên liệu sắc với 3 chén nước cho đến khi còn 1 chén, uống hàng ngày

Những ai nên và không nên dùng bài thuốc từ nghệ

Củ nghệ dù tốt và lành tính đến đâu cũng chỉ nên dùng tối đa 500-2000mg mỗi ngày.
Củ nghệ dù tốt và lành tính đến đâu cũng chỉ nên dùng tối đa 500-2000mg mỗi ngày.

Củ nghệ dù tốt và lành tính đến đâu cũng chỉ nên dùng tối đa 500-2000mg mỗi ngày. Hầu hết mọi người đều có thể dùng nghệ, ngay cả trẻ nhỏ. Đặc biệt, người có cơ địa bệnh ngoài da, xương khớp yếu, chế độ ăn uống dễ làm cơ thể tích tụ cholesterol xấu càng nên sử dụng nghệ.

Tuy nhiên, một số đối tượng dưới đây TUYỆT ĐỐI không nên dùng củ nghệ, hoặc trước khi dùng phải có sự tham khảo và cho phép của bác sĩ:

  • Phụ nữ có thai và cho con bú
  • Người có tiền sử bệnh trào ngược dạ dày
  • Người mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao, người bị sỏi thận
  • Người thiếu máu, thiếu sắt

Những người này nếu dùng nghệ sẽ có các phản ứng ngoài mong muốn như làm trầm trọng hơn dấu hiệu bệnh lý hay rong huyết. Ngoài ra, những người chuẩn bị làm phẫu thuật cũng nên cẩn thận khi dùng nghệ. Tốt nhất, nếu bắt buộc phải sử dụng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trực tiếp cho bạn trước để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân.

Cách trồng củ nghệ tại nhà không cần chăm nhiều vẫn tươi tốt

Với công dụng đa dạng của củ nghệ mà nhiều người yêu thích trồng cây nghệ ngay trong vườn nhà để tiện thu hái sử dụng. Dưới đây sẽ là hướng dẫn cách trồng nghệ từ củ nghệ tươi đơn giản nhất ai cũng làm được, phù hợp cho cả vườn nhỏ trong phố.

Dù bạn không “mát tay” trong việc chăm sóc cây trồng, nhưng nếu làm theo những bước dưới đây, đảm bảo bạn sẽ luôn có củ nghệ tươi để dùng ngay tại vườn nhà.

Với công dụng đa dạng của củ nghệ mà nhiều người yêu thích trồng cây nghệ ngay trong vườn nhà để tiện thu hái sử dụng
Với công dụng đa dạng của củ nghệ mà nhiều người yêu thích trồng cây nghệ ngay trong vườn nhà để tiện thu hái sử dụng

Chuẩn bị:

  • Chọn giống: Chọn những củ nghệ tươi, khỏe mạnh, có ít nhất một “mắt” hoặc đã lên chồi nhỏ. Củ không méo mó, không sâu bệnh, không ướt úng vỏ mới có khả năng phát triển tốt.
  • Đất trồng: Sử dụng đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt. Tiện lợi nhất là hãy sử dụng đất trộn sẵn dành cho rau màu hoặc đất hữu cơ đã thêm các thành phần dinh dưỡng có bán tại các cửa hàng dụng cụ làm vườn.
  • Chậu trồng: Chọn chậu có kích thước phù hợp với số lượng cây bạn muốn trồng, đáy chậu có lỗ thoát nước tốt.

Trồng nghệ:

  • Bước 1: Cắt củ nghệ thành các khúc nhỏ, mỗi khúc có ít nhất một chồi hoặc mắt chồi.
  • Bước 2: Đặt các phần củ nghệ đã cắt vào trong chậu, chồi hướng lên trên.
  • Bước 3: Phủ nhẹ một lớp đất mỏng lên trên củ nghệ khoảng 2-3 cm, phun nước đẫm trên bề mặt nhưng không quá nhiều gây ứ đọng, có thể làm thối củ.

Chăm sóc:

2 lần/ngày tưới nước đủ ẩm cho chậu ươm nhưng không quá ướt, dùng bình xịt để nước phủ đều. Những ngày ẩm ướt như mùa xuân tại miền Bắc thì có thể giảm xuống 1 lần/ngày.

Đặt chậu nghệ ở nơi có ánh sáng tự nhiên, tránh ánh nắng trực tiếp gay gắt. Sau mỗi tháng, bón phân hữu cơ nhẹ nhàng để tăng cường dinh dưỡng nuôi cây, nhất là khi đã lên thân dài.

Thu hoạch

Mất khoảng 8-10 tháng từ lúc trồng đến khi có được lứa củ nghệ đầu tiên
Mất khoảng 8-10 tháng từ lúc trồng đến khi có được lứa củ nghệ đầu tiên

Thường bạn sẽ mất khoảng 8-10 tháng từ lúc trồng đến khi có được lứa củ nghệ đầu tiên. Có 2 cách để nhận biết nghệ đã đến thời điểm có thể thu hoạch:

  • Quan sát lá: khi lá bắt đầu héo và vàng
  • Kiểm tra trực tiếp củ: nhẹ nhàng kéo củ nghệ lên để xem chúng đã phát triển đủ để thu hoạch chưa. Nếu củ lớn, vỏ thẫm màu, mùi nồng hăng mạnh đặc trưng là đã đủ già để sử dụng.

Nghệ không cần chăm sóc quá nhiều, cũng rất ít bị sâu bệnh. Bạn chỉ cần lưu ý đúng về ánh sáng, thoát nước và tưới cây hàng ngày là đủ.

Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã có hiểu biết đầy đủ nhất về củ nghệ. Ngoài ra, việc trồng và chăm sóc cây nghệ trong vườn nhà, kể cả vườn nhỏ thành thị, cũng không còn quá khó khăn. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các loại thảo mộc tự nhiên, hãy theo dõi trang để cập nhật nhiều hơn những thông tin bổ ích khác nhé.

You might be interested in …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *