Blog

Các vấn đề về răng miệng ở người cao tuổi

Người cao tuổi thường xuyên gặp phải các vấn đề răng miệng. Tuy không nghiêm trọng như các bệnh lý khác, nhưng đôi khi bệnh răng miệng cũng có thể biểu hiện rầm rộ và gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mọi người, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Vậy những bệnh răng miệng thường gặp ở người cao tuổi là gì và cách phòng tránh như thế nào?

Các bệnh về răng miệng

Viêm nha chu

Viêm nha chu là tình trạng viêm ảnh hưởng cấu trúc nha chu xung quanh răng gồm nướu (lợi), xương ổ răng và hệ thống dây chằng. Viêm ở những cấu trúc này gây tiêu xương ổ và mất bám dính giữa nướu và răng, dẫn đến tình trạng tụt nướu và lung lay răng, kèm theo đó là tình trạng chảy máu khi chải răng. Viêm nha chu có thể gặp ở mọi lứa tuổi tùy vào khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch ở từng người đối với vi khuẩn và mảng bám. Tuy nhiên, người cao tuổi có tỷ lệ viêm nha chu cao do quá trình tích lũy tình trạng viêm theo thời gian. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây mất răng ở người cao tuổi.

Các yếu tố nguy cơ của viêm nha chu gồm: Hút thuốc lá, chăm sóc răng miệng không đúng cách làm gia tăng mảng bám… Một số bệnh toàn thân cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm nha chu, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường có khả năng bị viêm nha chu cao gấp 3 lần so với những người khỏe mạnh. Ngược lại, viêm nha chu cũng là yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường. 

Sâu răng

Tương tự như bệnh nha chu, người cao tuổi cũng dễ bị sâu răng. Nguyên nhân chủ yếu là do vệ sinh kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động và chuyển hóa đường trong thức ăn thành acid gây mất khoáng, dẫn đến sâu răng. Dấu hiệu nhận biết của sâu răng là lỗ sâu, đen hoặc nâu ở bất kỳ vị trí nào của răng, đồng thời có thể đi kèm với cơn đau nhức ở răng. Nếu không điều trị có thể gây viêm tủy không hồi phục, hoại tử tủy, lâu ngày tạo ra abcess và mất răng. 

Mòn răng

Mòn răng là tình trạng mất mô răng do nhiều nguyên nhân như lực chải răng quá mạnh, nghiến răng, ăn nhiều thực phẩm acid… hoặc có thể do các bệnh lý như hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, bệnh gây nôn làm trào ngược acid từ dạ dày lên miệng gây mất mô răng. 

Ở người cao tuổi, mòn răng thường biểu hiện ở mặt nhai và cổ răng. Mòn cổ răng thường do cách chải răng sai cách, chải ngang và dùng lực mạnh. Mòn cổ răng có thể phục hồi bằng phương pháp trám răng, riêng mòn mặt nhai thì việc điều trị phức tạp hơn, tùy vào mức độ mòn răng. Điều quan trọng là cần xác định nguyên nhân và cách giải quyết hiện tượng gây mòn răng để tránh việc tiến triển nặng thêm, dẫn đến các hậu quả càng trầm trọng như viêm tủy không hồi phục, sai khớp cắn, loạn năng khớp thái dương hàm…

Hôi miệng

Nhiều người cao tuổi có thể bị hôi miệng do nhiều nguyên nhân như bệnh nha chu, sâu răng, vệ sinh răng miệng kém, dùng thuốc … Hôi miệng khiến bệnh nhân khó chịu và thiếu tự tin, ảnh hưởng đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Để giải quyết tình trạng hôi miệng thì việc xác định nguyên nhân là rất quan trọng.

Khô miệng

Người cao tuổi thường bị khô miệng do quá trình lão hóa khiến tuyến nước bọt giảm tiết, bệnh lý toàn thân, dùng thuốc làm giảm tiết nước bọt (thuốc điều trị cao huyết áp, loạn nhịp tim, dị ứng, một số thuốc giảm đau, chống viêm thông thường…), và một số nguyên nhân khác. Khô miệng ảnh hưởng đến sức nhai và cảm nhận vị giác của bệnh nhân, khiến bệnh nhân gặp các vấn đề như ăn không ngon, khó chịu đường tiêu hóa. 

Loạn năng khớp thái dương hàm

Loạn năng khớp thái dương hàm là tình trạng rối loạn ở khớp thái dương hàm (khớp nối giữa xương sọ và hàm dưới) hoặc các cơ liên quan. Người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị rối loạn này do quá trình lão hóa gây nên tình trạng xơ hóa và thoái hóa khớp, thể tích lồi cầu giảm, đồng thời trương lực các cơ há và ngậm miệng yếu dần. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như sai khớp cắn (do mất răng, răng lệch lạc…), thói quen xấu (nhai một bên, nghiến răng…), thở bằng miệng… cũng khiến khớp thái dương hàm bị mất cân bằng.

Bệnh nhân có biểu hiện đau vùng trước tai, đau khi ăn nhai, đau mỏi các cơ, hàm, có tiếng kêu ổ khớp, khó khăn khi ăn nhai… Ban đầu, bệnh có thể không biểu hiện rầm rộ, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ tiến triển nặng nề hơn, gây khó chịu và mệt mỏi cho bệnh nhân.

Rối loạn phản xạ nhai nuốt và vị giác giảm

Quá trình lão hóa gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, chức năng nhai nuốt và cảm nhận vị giác của người cao tuổi bị suy yếu theo thời gian do răng lung lay, hệ thống môi, má lưỡi và các cơ giảm khả năng phối hợp, giảm tiết nước bọt… khiến cho việc ăn uống trở nên khó khăn, ăn không ngon miệng, dẫn đến chán ăn, thiếu dinh dưỡng và mệt mỏi.  

Phòng ngừa bệnh răng miệng ở người cao tuổi

So với các bệnh toàn thân khác, người ta thường ít quan tâm đến vấn đề răng miệng hơn, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, những hậu quả để lại khi không quan tâm và chăm sóc răng miệng đúng cách cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn thân. Một ví dụ đơn giản như mất răng hay các vấn đề về răng miệng khác khiến người cao tuổi gặp khó khăn khi ăn uống, giảm cảm giác ngon miệng dẫn đến tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng kém, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân…

Vì vậy, chăm sóc răng miệng ngay từ bây giờ là rất cần thiết. Cần lưu ý:

  • Dùng bàn chải có lông mềm để làm sạch kẽ răng và tránh tổn thương nướu
  • Chải răng 2 lần/ngày, thay bàn chải 2 – 3 tháng/lần
  • Chải răng xoay vòng thay vì chải ngang để tránh mòn cổ răng và tạo thói quen chải lưỡi sau khi chải tất cả các mặt răng 
  • Dùng chỉ nha khoa/bàn chải kẽ sau bữa ăn để loại bỏ thức ăn thừa và mảng bám
  • Nếu có những dấu hiệu bất thường như đau răng, răng lung lay, nhạy cảm với nóng lạnh… thì nên đi khám ngay để điều trị sớm trước khi các vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, không chỉ bệnh răng miệng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, mà ngược lại bệnh toàn thân cũng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Do đó, để có được hàm răng chắc khỏe, chúng ta nên giữ gìn sức khỏe và kiểm soát các bệnh như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp… thường xuất hiện khi về già.

You might be interested in …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *